Theo nhận định của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn Đối thoại kinh tế Việt Nam 2020, do Trang thông tin điện tử tổng hợp VnInsider (trực thuộc Công ty Cổ phần truyền thông DAMORD) vừa tổ chức: nền kinh tế của Việt Nam còn rất nhiều thách thức phải đương đầu trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Các chuyên gia tham dự Diễn đàn Đối thoại kinh tế Việt Nam 2020
Chia sẻ tại diễn đàn, Giáo sư Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế và chính trị Thế giới đánh giá cao và ấn tượng trước tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2019, GDP tăng trưởng 7,02% và sẽ tạo động lực để năm 2020, kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển. Có thể nói đây là con số tăng trưởng cao so với khu vực và trên thế giới trong bối cảnh nhiều nền kinh tế suy giảm. Trung Quốc là đất nước có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới thì 2019 cũng ở 6%, Ấn Độ là quốc gia có mức tăng trưởng khá cao ở 7% nhưng tới năm 2019 cũng không đạt được, do vậy con số tăng trưởng 7,02% của nền kinh tế Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt được. Cùng với đó, tỷ lệ lạm phát cũng chỉ ở mức hơn 2% là khá thành công. “Chỉ số này nói lên rằng, chúng ta tăng trưởng không phải bằng tiền, trong khi nhiều quốc gia hiện nay, muốn kích thích tăng trưởng đều phải dùng tiền để gia tăng tín dụng, gia tăng đầu tư công”, ông Lược bình luận.
Giáo sư Võ Đại Lược (bên phải)
Giáo sư Võ Đại Lược chỉ ra nhiều cái được của kinh tế Việt Nam năm 2019, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 10 tỷ cũng rất đáng khích lệ, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn rất hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Yếu tố quan trọng, được thế giới đánh giá cao là Việt Nam có môi trường chính trị, xã hội ổn định. Làm ăn ổn định doanh nghiệp nước ngoài mới đầu tư. Có thể nói Việt Nam ổn định nhất trong khu vực và châu Á”.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng có đánh giá, nền kinh tế vĩ mô năm 2019 tương đối ổn định, thể hiện ở hàng loạt các chỉ số, như lạm phát thấp, kim ngạch thặng dư về cán cân thương mại, thâm hụt ngân sách giảm, tăng trưởng về tín dụng có xu hướng giảm, dự trữ ngoại hối gia tăng... Đáng chú ý, nhờ những cải cách kinh tế thể chế và điều kiện kinh doanh, Việt Nam đã tăng thêm 10 bậc đánh giá về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Chính những điều này tạo thêm động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là tăng trưởng của khu vực kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, chuyên gia cũng cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam còn rất nhiều thách thức phải đương đầu trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Bởi, nếu nhìn lại những năm trước, thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang chậm lại rõ ràng. Nếu năm 2016, 2017 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 20% hiện đã giảm xuống 8%. Bên cạnh đó, dù là động lực chính của nền kinh tế nhưng doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam phần lớn vẫn là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên rất khó có thể cạnh tranh quốc tế...
Đề xuất giải pháp thúc đẩy nền kinh tế trong nước nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng phát triển bứt phá, giáo sư Võ Đại Lược nhấn mạnh, cần cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng phải tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam liên doanh, liên kết, ưu tiên mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước mà nhà nước không cần nắm giữ.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cho rằng: Chính phủ cần cải cách hệ thống phân bố nguồn lực trong đó có phát triển thị trường vốn một cách đồng đều hơn, phát triển thị trường đất đai, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất. Không thể phân bố đất đai theo kiểu lấy của người này cho người khác mà phải theo thị trường. Để làm được điều đó thì quyền sử dụng đất, đặc biệt là quyền sử dụng đất nông nghiệp phải được coi là một tài sản chứ không phải một công cụ sản xuất.
Bảo Ngọc / TC Gia đình & Trẻ em