Hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống mua bán người
Với việc ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội quy định nạn nhân bị mua bán là đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng và Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021, mức hỗ trợ dành cho nạn nhân đã được điều chỉnh (tăng số tiền ăn dành cho nạn nhân bị mua bán được chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng) nhằm hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để đáp ứng nhu cầu của nạn nhân phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bộ Công an ban hành Thông tư 43/2021/TT-BCA ngày 22/4/2021 quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.
Về ngăn chặn mua bán người trong lĩnh vực việc làm và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cùng với việc ban hành Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 (Luật số 69), trong năm 2021 và đầu năm 2020, một loạt văn bản hướng dẫn thi hành đã được ban hành. Nghị định số 112/NĐ-CP ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật số 69, quy định doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi Giấy phép nếu lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động.
Các hành vi lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để bóc lột, cưỡng bức lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã quy định cụ thể mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động đối với một số ngành, nghề, công việc cụ thể nhằm nghiêm cấm việc doanh nghiệp thu phí của người lao động trái quy định, trong đó một số ngành nghề tại từng thị trường không được phép thu tiền dịch vụ.
Ngoài ra, còn có một số văn bản quan trọng khác như: Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, trong đó giao Bộ Công an chủ trì, xây dựng, triển khai và báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống mua bán người; Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình là phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động.
Để ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế, đặc biệt là trong các hoạt động đưa người di cư trái phép, ngày 20/3/2020, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc. Việt Nam hiện đang xây dựng hồ sơ gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000. Đây là một nỗ lực nhằm ngăn chăn nguy cơ mua bán người thông qua các hoạt động tội phạm đưa người di cư trái phép.
Tăng cường phối hợp liên ngành phòng, chống mua bán người
Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành cũng được duy trì, củng cố dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP).
Đối với công tác phòng, chống mua bán người, bên cạnh cơ chế làm việc của Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an đã thành lập Tổ Công tác liên ngành thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Đặc biệt, ngày 18/7/2022, hướng tới Ngày Thế giới và Toàn dân phòng chống mua bán người 30/7, các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định nỗ lực và quyết tâm chung trong công tác phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn phối hợp triển khai việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.
Việc ban hành Quy chế đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người
Trong thời gian đại dịch COVID-19, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai công tác phòng, chống mua bán người nhưng Việt Nam đã có nhiều giải pháp để thích ứng với tình hình. Trong đó, để đảm bảo tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ án (bao gồm vụ án mua bán người), Tòa án nhân dân tối cao đã yêu cầu Tòa án các cấp lên lịch xét xử, giải quyết các vụ việc kể cả vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật để bảo đảm tiến độ, thời hạn giải quyết; tổ chức thuê phòng họp, bố trí phòng xét xử đáp ứng đủ điều kiện tron trường hợp không có đủ phòng họp, phòng xét xử; ưu tiên đưa ra xét xử, giải quyết các vụ việc chuẩn bị hết thời hạn xét xử, giải quyết. Đặc biệt, trên cơ sở đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến (có hiệu lực từ 1/1/2022).
Các khuyến nghị của phía nước ngoài liên quan đến phòng, chống mua bán người cũng được ta quan tâm, xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo. Nhiều nội dung khuyến nghị đã đưa được vào Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Hiện nay, Bộ Công an cùng với các bộ, ngành hoàn thiện biểu mẫu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người. Trong quá trình xây dựng biểu mẫu, Bộ Ngoại giao đã chủ động xây dựng các tiêu chí thống kê theo thông lệ quốc tế để các bộ, cơ quan tham khảo, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn xử lý của mình. Việc hoàn thiện và triển khai đồng bộ, chặt chẽ biểu mẫu thống kê trong thời gian tới sẽ giúp chúng ta đánh giá một cách đầy đủ hơn về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người để từ đó có các giải pháp chính sách phù hợp.
Về hợp tác quốc tế, Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế, cam kết quốc tế về hợp tác phòng, chống mua bán người. Trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã tăng cường hợp tác với phía nước ngoài trong việc xác minh, xác định bảo vệ nạn nhân bị mua bán. Bộ Ngoại giao đã kịp thời chỉ đạo Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát tình hình công dân Việt Nam tại địa bàn, kịp thời phát hiện các xu hướng mua bán người và các vấn đề liên quan đến công dân để có biện pháp xử lý nhanh chóng, nhất là trong việc giải cứu, bảo vệ nạn nhân, qua đó hỗ trợ công tác truy tố, xét xử ở trong nước.
Gần đây nhất cuối tháng 6, đầu tháng 7/2022, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Quốc phòng giải cứu, nhanh chòng đưa về nước an toàn 7 công dân bị mua bán sang Campuchia nhằm mục đích cưỡng bức lao động, kịp thời phục vụ công tác xử lý đối tượng cũng như góp phần giải quyết triệt để tình trạng này do hiện nay, việc người Việt Nam bị đưa sang Campuchia lao động cưỡng bức đang nổi lên và trở thành vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của con người.