Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Việt Nam rất coi trọng vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ

Sáng 28/9, ngay sau phiên khai mạc Diễn đàn Đối thoại công – tư về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC (diễn ra tại TP. Huế), Bộ trưởng Bộ LĐ – TB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Diễn đàn Đối thoại Chính sách Cấp cao về Phụ nữ và Kinh tế trong năm APEC 2017 đã có buổi tiếp xã giao bà Victoria Kwakwa Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (The World Bank) và bà Lakshmi Puri, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Cố vấn cấp cao của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp xã giao bà Victoria Kwakwa

Bà Victoria Kwakwa và bà Lakshmi Puri đã đến thành phố Huế để tham dự sự kiện Đối thoại công – tư về Phụ nữKinh tế APEC 2017. Tại phiên khai mạc, bà Lakshmi Puri đã có bài phát biểu quan trọng.

Nội dung 2 cuộc tiếp xúc song phương nói trên là nhằm trao đổi những vấn đề về bình đẳng giới ở Việt Nam và trên thế giới, cũng như việc hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới, nhất là vấn đề tăng cường quyền kinh doanh kinh tế cho phụ nữ.

Tại cuộc tiếp xúc song phương với bà Victoria Kwakwa, Bộ trưởng vui mừng chào đón Phó Chủ tịch World Bank trở lại Việt Nam và cho biết, Việt Nam rất coi trọng cũng như đánh giá cao vai trò của bà trong việc đóng góp chung vào sự phát triển của Việt Nam, trong đó có vấn đề về bình đẳng giới.

 “Việt Nam rất coi trọng vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Theo Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016, Việt Nam đứng thứ 65 trên 144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới và đứng thứ 33 về chỉ số phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí giám đốc, chủ doanh nghiệp đạt khoảng 25%. Và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng thông báo đến bà Victoria Kwakwa, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam tới đây, sẽ thảo luận nhiều nội dung thực hiện chính sách của ngành LĐ-TB&XH, trong đó có đánh giá, xem xét các chỉ tiêu, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2020.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay Bộ LĐ – TB&XH đang tiến hành xây dựng báo cáo về bình đẳng giới để đến tháng 10/2017 sẽ trình lên Thường vụ Quốc hội sửa đổi Bộ luật Lao động, dự kiến sẽ được xem xét lần đầu vào năm 2018, trong đó có vấn đề trọng tâm là dự kiến điều chỉnh độ tuổi lao động bình đẳng giữa nam và nữ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ Việt Nam mong cá nhân bà Victoria Kwakwa và Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề về quyền năng phụ nữ trong phát triển kinh tế.

Tại buổi gặp song phương, bà Victoria Kwakwa đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam đã đạt được trong những năm qua trong việc nỗ lực tăng cường lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và quyền năng kinh tế của phụ nữ. Bà cũng đánh giá cao bài phát biểu của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại Đối thoại công – tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC. Đó chính là thông điệp mạnh mẽ về cam kết tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ mà Việt Nam và các thành viên APEC đang nỗ lực thực hiện.


Sau đó, Bộ trưởng cũng đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Lakshmi Puri

Ngay sau đó, Bộ trưởng cũng đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Lakshmi Puri, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Cố vấn cấp cao của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Bộ trưởng cám ơn những đóng góp, giúp đỡ của UN Women đối với công tác bình đẳng giới ở Việt Nam cũng như mong muốn trong thời gian tới, Tổ chức sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Trước đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng Lãnh đạo Bộ LĐ - TB&XH đã tiếp đón các Trưởng đoàn đại biểu tham dự Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC...

Và trao đổi thân mật mật với các đại biểu