Ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) và Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau 2015”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng
Hội thảo thu hút khoảng 180 đại biểu từ các Ban của Đảng, Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương, các hiệp hội, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Theo các diễn giả tại Hội thảo, hiện nay đang hình thành nhiều xu hướng dịch chuyển khác nhau của các trung tâm chế biến, chế tạo trên thế giới, trong đó, xu thế chủ đạo là sự dịch chuyển các trung tâm chế biến, chế tạo từ các nền kinh tế phát triển sang các nước đang phát triển bên cạnh xu thế dịch chuyển các trung tâm chế biến, chế tạo giữa các nước trong khu vực và giữa các nước đang phát triển. Ngoài ra, cũng đang có xu hướng chuyển dịch ngược của các “công xưởng thế giới” từ các nước đang phát triển trở về các nước phát triển.
Việt Nam được nhận định là có khả năng trở thành điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia trong làn sóng dịch chuyển của các trung tâm chế biến, chế tạo và có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới trong vòng 20 năm tới. Vấn đề là Việt Nam cần nhận diện đúng xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực, đề xuất các giải pháp toàn diện và đồng bộ cho phát triển Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới trong thời gian tới có ý nghĩa hết sức cấp thiết.
Việt Nam có lợi thế chi phí lao động thấp. Mà một trong những xu hướng chuyển dịch của các trung tâm chế biến, chế tạo là từ nơi có chi phí lao động cao sang nơi có chi phí lao động thấp. “Vậy chúng ta phải nghiên cứu, tìm hiểu xem Việt Nam có lợi thế chi phí lao động thấp trong bao lâu nữa”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói tiếp.
Thống kê cho thấy, 63% xuất khẩu của Việt Nam là hàng chế biến, 56% vốn đầu tư vào Việt Nam tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đó đó là những tín hiệu thuận lợi. Theo ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay, trong cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam, ngành công nghiệp, chế tạo đóng một vai trò quan trọng, tiếp tục là động lực trụ cột cho tăng trưởng kinh tế. “Việc nhận diện đúng xu thế, đánh giá đúng khả năng và nguồn lực để đề xuất các giải pháp toàn diện đồng bộ có ý nghĩa hết sức thiết và cấp bách”, Thống đốc nhấn mạnh.
Hội thảo đã nghe nhiều tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) cho rằng, Việt Nam đứng trước những thách thức mới và phải lựa chọn các hướng đi chiến lược để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, duy trì đà tăng trưởng khi có lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ đang mất đi động lực, đổi mới cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, các thách thức cũng được các chuyên gia thẳng thắn chỉ rõ, chẳng hạn như đón nhận công nghệ thấp (bãi thải công nghệ), thành nước chỉ gia công thuần túy mà không tiếp thu được công nghệ tiên tiến, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, kỷ luật và năng suất lao động thấp, vấn đề môi trường sinh thái và lãng phí tài nguyên...
Sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại không đồng đều, sự bứt phá tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp có yếu tố xuất khẩu, đầu tàu là khối FDI, trong khi các doanh nghiệp nội địa vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh sức cầu trong nước phục hồi yếu hơn mong đợi.
Do vậy, cần phải có các quyết sách quyết liệt, đặc biệt dành nguồn lực thích đáng cho phát triển công nghiệp chế tạo như: tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ bao gồm sản xuất linh, phụ kiện, nguyên phụ liệu và vật liệu cơ bản trên cơ sở tận dụng các dự án đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Đồng thời tận dụng các cơ hội do các hiệp định FTA thế hệ mới như TPP, với EU, với Liên minh thuế quan nhằm thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp nặng; tăng cường mối liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để chuyển đổi lợi thế cạnh tranh từ lao động kỹ năng thấp, chi phí rẻ sang lợi thế cạnh tranh về lao động kỹ thuật cao, chi phí hợp lý.
"Trên cơ sở thực hiện các mục tiêu đã được phê duyệt đến năm 2020, nếu được đầu tư nguồn lực thích đáng, Việt Nam sẽ hình thành được nền tảng cho quá trình trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới", TS. Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.
Được biết, sau hội thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị đồng tổ chức xây dựng bản tổng hợp kiến nghị của hội thảo nhằm đóng góp thiết thực vào việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng.