Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc Thủ tướng ký quyết định công bố dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc có 3 mục tiêu. Thứ nhất, làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành. Thứ hai, để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, nhà nước và hướng dẫn của ngành y tế để thực sự "mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch". Thứ ba, tất cả các lực lượng tham gia chống dịch của ngành y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch.
Theo Ban Chỉ đạo, đến 12 giờ ngày 1/4, các địa phương đã rà soát, giám sát, quản lý sức khỏe 44.293 trường hợp đã đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3. Một số địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh… đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai và cho kết quả 100% âm tính.
Về vấn đề xét nghiệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết hiện có 2 phương pháp xét nghiệm để phát hiện người nhiễm Covid-19. Một là phải sử dụng máy móc để tìm ra sự hiện diện của virus trong cơ thể với độ chính xác rất cao và thứ hai là phát hiện kháng thể khi cơ thể đã bị nhiễm virus sau một thời gian (ít nhất là 3 ngày). Trong phương pháp thứ hai, có loại test thử nhanh, kết quả đọc được trong vòng 10-15 phút và không cần máy móc. Việt Nam đã nhập khẩu test thử nhanh từ Hàn Quốc. Test thử nhanh có đặc điểm là độ nhạy, độ chính xác thấp hơn và có tỉ lệ trên 20% là vừa nhầm, vừa sót.
Theo các chuyên gia y tế, tại Việt Nam, hiện phương pháp xét nghiệm bằng công nghệ sinh học phân tử Realtime PCR (RT-PCR) nhằm xác định cấu trúc di truyền ARN của virus được coi là phương pháp tối ưu, tỉ lệ chính xác có thể tới 100%. Hiện Việt Nam có 26 phòng xét nghiệm RT-PCR.