"Dự kiến thời gian tới Việt Nam thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo nhập khẩu thịt lợn, song việc này phải đảm bảo cân đối lợi ích giữa người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước", ông Tiến cho hay.
"Đến nay đã có 14% tỉnh và hơn 85% xã hết dịch qua 30 ngày, đây là điều kiện tốt để tái đàn lợn thời gian tới. Tổng đàn lợn hiện còn 25 triệu con, trong đó lợn nái 2,7 triệu con, lợn giống thuần chủng 109.000 con, đảm bảo việc tái đàn bằng giống chất lượng cao", ông Tiến thông tin.
Ngoài ra, so với năm 2018, năm nay tổng sản lượng thực phẩm tăng 390.000 tấn gồm thịt gia cầm, thịt trâu bò, dê cừu... một phần phục vụ tăng trưởng, phần khác bù đắp thiếu hụt thịt lợn.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin thêm, với diễn biến nguồn cung giảm và giá thịt lợn trong nước tăng cao vừa qua, "nếu không cẩn trọng thì trong và sau Tết, diễn biến này có thể ảnh hưởng đến đời sống người dân".
Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát tình hình để tham mưu kịp thời cho Chính phủ; tính toán cụ thể số lượng thịt lợn cần nhập khẩu từ đối tác có quan hệ thương mại song phương với Việt Nam.
Tổng cục Quản lý thị trường được giao phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành ngăn chặn việc xuất lậu thịt lợn sang Trung Quốc cũng như nhập khẩu thịt lợn từ Thái Lan, Campuchia.
"Hiện nay chúng ta chưa ký kết việc xuất nhập khẩu thịt lợn với Thái Lan, Campuchia, do vậy việc nhập lậu thịt lợn từ các thị trường này tiềm ẩn nguy cơ an toàn thực phẩm và mầm bệnh ảnh hưởng tới đàn lợn trong nước", ông Hải nói.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Việt Nam từ đầu tháng 2. Đến nay hơn 5,7 triệu con lợn, chiếm trên 8% tổng đàn lợn cả nước đã bị tiêu huỷ. Cuối tháng 11, Tổng cục Thống kê cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,96% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung thịt lợn giảm làm giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao.