Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Việt Nam tập trung đổi mới giáo dục, công tác đào tạo nguồn nhân lực

(Dân sinh) - Sáng 27/8/2019, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan của Việt Nam phối hợp với Văn phòng ILO tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tư tưởng Hồ Chí Minh về lao động và an sinh xã hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Dân sinh trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó thủ tướng

Thưa Bà Deborah Greenfield, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế,

Thưa các quý vị đại biểu,

Công bằng xã hội, việc làm thỏa đáng và bền vững, trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động là những giá trị cốt lõi mà Tổ chức Lao động Quốc tế luôn không ngừng phấn đấu. Đó là cũng sứ mệnh mà Tổ chức Lao động Quốc tế, Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên Tổ chức Lao động Quốc tế đã và đang thúc đẩy.

Việt Nam tập trung đổi mới giáo dục, công tác đào tạo nguồn nhân lực - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm chụp ảnh lưu niệm

Nhân dịp kỷ niệm Tổ chức Lao động Quốc tế tròn 100 năm tuổi, thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc mừng đặc biệt tới Tổ chức Lao động Quốc tế và tất cả các tổ chức, cá nhân dành tâm huyết, trí lực của mình vào việc thực hiện mục tiêu và sứ mệnh của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Chúng ta cũng rất vui mừng nhận thấy trong suốt mấy thập kỷ qua, Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế đã cùng nhau hợp tác để hiện thực hóa tư tưởng tương đồng của những nhà sáng lập Tổ chức Lao động Quốc tế và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công bằng xã hội, việc làm bền vững vì hòa bình, hạnh phúc cho tất cả mọi người.


Như trong bộ phim tài liệu mà chúng ta được xem, ngay từ năm 1919, Nhà Cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã gửi Bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới Hội nghị hòa bình Paris, trong đó nêu rõ đòi hỏi quyền cho người dân Việt Nam "được tự do hội họp, được học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp". Những yêu sách này có nội hàm hoàn toàn tương đồng với Lời mở đầu của Hiến chương Tổ chức Lao động Quốc tế về "công nhận nguyên tắc cơ bản của tự do hiệp hội, tổ chức giáo dục kỹ thuật và dạy nghề".

Di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng phong phú, sâu sắc và toàn diện. Những nội dung trong chính sách lao động và an sinh xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, thể hiện ở những điểm cơ bản như: đảm bảo quyền tự do, quyền làm chủ của người dân; tôn vinh lao động; tạo việc làm, giáo dục nghề nghiệp và nâng cao trình độ cho người lao động; tiền lương và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động; đảm bảo an toàn lao động và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định; v.v... Những nội dung này cũng chính là những tiêu chuẩn lao động quốc tế được Tổ chức Lao động Quốc tế xây dựng và thể hiện qua các Công ước và Khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế trong suốt 100 năm qua.

 Thưa các quý vị đại biểu,

Thế giới ngày nay chứng kiến sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt về lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự gia tăng chuyển dịch lao động đang làm thay đổi mạnh mẽ thị trường lao động. Nhiều nghề sẽ mất đi, nhiều công việc giảm tính ổn định cùng với đó sẽ xuất hiện nhiều nghề mới đòi hỏi những kỹ năng làm việc mới trong một không gian việc làm rộng mở hơn.

Nếu không có tầm nhìn, không có các bước chuẩn bị chủ động, cần thiết thì thời cơ của cuộc Cách mạng sẽ bị bỏ lỡ và trở thành thách thức lớn hơn, mà cụ thể, trực tiếp nhất là dư thừa lao động thiếu kỹ năng mới.

Nhận thức được điều đó, Việt Nam xác định cần tập trung đổi mới giáo dục, đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường kỹ năng, khả năng tự học, khả năng thích ứng cho người lao động để sẵn sàng với những thay đổi, đòi hỏi mới còn rất khó lường của thị trường lao động.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm thỏa đáng, bền vững luôn được Chính phủ Việt Nam coi là tiền đề quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tận dụng lợi thế của thời kỳ dân số vàng phục vụ phát triển bền vững, với con người là trung tâm và không ai đứng ngoài, không ai bị bỏ lại phía sau.

Là một quốc gia đang phát triển, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế trong mấy chục năm qua thuộc nhóm nhanh hàng đầu thế giới nhưng do xuất phát điểm thấp sau chiến tranh nên thu nhập theo đầu người của Việt Nam còn ở mức trung bình thấp. Việt Nam đã nỗ lực tập trung cho xóa đói giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, Mục tiêu phát triển bền vững và đã đạt được những kết quả rõ nét, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chúng tôi cũng luôn tập trung ưu tiên cải thiện chính sách an sinh xã hội, vì cuộc sống an lành của mọi người dân, mọi người lao động nhằm tạo ra môi trường lao động hấp dẫn hơn trong quá trình hội nhập quốc tế.

Nhân dịp này tôi xin trân trọng cảm ơn sự hợp tác quý báu của Tổ chức Lao động Quốc tế, của Liên Hợp Quốc, các Tổ chức Quốc tế, các quốc gia bè bạn đã dành cho Việt Nam trong công tác lao động, việc làm, an sinh xã hội nói riêng và quá trình phát triển đất nước nói chung.

Cuối cùng, một lần nữa tôi xin tái khẳng định: Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có trách nhiệm cùng Tổ chức Lao động Quốc tế tiếp tục cuộc hành trình hướng tới mục tiêu công bằng xã hội, việc làm thỏa đáng và bền vững, mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người, phấn đấu thực hiện lý tưởng của các nhà sáng lập Tổ chức Lao động Quốc tế và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Xin chúc Tổ chức Lao động Quốc tế ngày càng vững mạnh và hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.

Chúc các vị đại biểu sức khỏe, thành công.

Xin trân trọng cảm ơn./.