Năm 2015 là một năm có nhiều dấu ấn quan trọng về đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt phải kể đến sự tham gia Hiệp định TPP và Cộng đồng chung ASEAN (AEC). Trong đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ trở thành một khuôn khổ thương mại toàn diện, có chất lượng cao và là khuôn mẫu cho các hiệp định thế kỷ 21. Cùng với đó, sự ra đời của AEC cũng được xem là một thành tựu to lớn trong quá trình hình thành, hội nhập và phát triển của ASEAN trong suốt gần 50 năm qua.
Hiệp định TPP: Cơ hội rộng lớn và toàn diện
Tham gia vào Hiệp định TPP, một cấu trúc quan trọng của khu vực, sẽ giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội, do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực, cũng như xu thế hội nhập kinh tế khu vực đem lại. Đồng thời, giúp Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Tuyên bố về thành lập Cộng đồng ASEAN (ngày 22/11/2015).
Có thể nói, với Hiệp định TPP, như các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhận định, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. “Đó là cơ hội mở cửa thị trường xuất khẩu, thị trường đầu tư, cơ hội cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp… Vấn đề là phải hiện thực hóa cơ hội, chuyển cơ hội thành lợi ích, tận dụng tối đa các cam kết trong TPP mới là điều quan trọng. Các yếu tố thương mại tự do trong hiệp định TPP sẽ làm giảm hàng rào thuế quan, cho phép Việt Nam dễ dàng tiếp cận hơn với những thị trường lớn ở Mỹ, Nhật Bản, Canada và Australia. Các quốc gia tham gia ký kết TPP chiếm 39% tổng giá trị xuất khẩu và 23% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam năm 2014. Ước tính, TPP sẽ thúc đẩy giá trị xuất khẩu của nước ta thêm hơn 37% trong giai đoạn 10 năm đến năm 2025”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết.
Do đó, Hiệp định TPP có tiềm năng trở thành căn cứ chính sách quan trọng về cải cách cấu trúc và tự do hóa kinh tế, nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất và đầu tư nước ngoài vào nước ta. Các nhà lãnh đạo của 12 quốc gia thành viên TPP đã ra tuyên bố chung, theo đó khẳng định: Thông qua việc xây dựng các quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao để hỗ trợ các hoạt động giao thương trong thế kỷ 21, thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư đầy tham vọng, Hiệp định TPP sẽ củng cố và mở rộng các mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế TPP; hỗ trợ tạo công ăn việc làm; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như hỗ trợ cải cách và xóa đói giảm nghèo, đảm bảo những lợi ích tốt nhất cho người dân.
AEC: Bước tiến trọng đại đối với ASEAN
Cùng với việc chờ đón Hiệp định TPP có hiệu lực là sự kiện Việt Nam chính thức bước vào “sân chơi chung” AEC. Ngày 22/11/2015, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đánh dấu cột mốc quan trọng khi ký vào Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc thành lập cộng đồng ASEAN. Mục tiêu của cộng đồng ASEAN tập trung vào việc xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ một cách sâu rộng, ràng buộc nhau hơn trên cả ba trụ cột là an ninh chính trị, kinh tế và văn hóa- xã hội. Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN thực sự là một bước tiến trọng đại đối với ASEAN, sẽ thúc đẩy kinh tế của khu vực lên một tầm cao mới cũng như giúp thay đổi đáng kể về nhiều mặt.
ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam nhiều năm qua. Hiện ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và EU, là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam cũng khá hấp dẫn các nhà đầu tư ASEAN và nhà đầu tư khác đặt trụ sở tại ASEAN. Tính đến hết năm 2014, Singapore, Malaysia và Thái Lan là ba nước thành viên ASEAN nằm trong danh sách 10 đối tác có vốn đăng ký FDI lớn nhất tại Việt Nam. Đến cuối tháng 6/2015, ASEAN có 2.632 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 54,6 tỷ USD.
Hiệp định TPP sẽ chính thức được ký kết vào ngày 4/2/2016, có hiệu lực sau 2 năm.
Đánh giá về những vận hội của doanh nghiệp Việt khi AEC hình thành, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết: “Sau khi hình thành, AEC cơ bản sẽ trở thành một thị trường chung với hơn 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP gần 3.000 tỷ USD/năm; hình thành không gian sản xuất thống nhất, giúp phát huy lợi thế chung của khu vực. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề được tự do lưu chuyển trong ASEAN mà không chịu bất cứ hàng rào hay sự phân biệt đối xử nào giữa các quốc gia thành viên”.
Thị trường lao động rộng mở
Việc đưa nội dung lao động vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới còn có mục đích bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại. Với kinh nghiệm gần 20 năm trong lĩnh vực nhân sự tại các tập đoàn đa quốc gia, bà Phan Nguyên Nhật Thảo, Giám đốc Nhân sự Cty TNHH Amway Việt Nam, chia sẻ về những cơ hội và thách thức cho nguồn nhân lực - nhân tài Việt trong bối cảnh TPP: “Đòn bẩy kinh tế mà TPP đem lại cho Việt Nam là một cánh cửa lớn đối với lao động trong nước. Theo cam kết của Hiệp định, các dự án và nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng lên, tạo ra rất nhiều cơ hội cho lao động trong nước được tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp từ các quốc gia có bề dày phát triển. Tuy nhiên, kèm theo đó là khá nhiều thách thức, vì TPP được biết đến là một trong những thị trường tự do thương mại lớn nhất thế giới, do đó họ sẽ có những đòi hỏi rất cao về nguồn lực lao động”.
Sự kiện ra đời AEC cũng đánh dấu mốc son khi người lao động được phép tự do luân chuyển giữa các nước thành viên, là cơ hội lớn để tháo gỡ vấn đề thừa lao động ở nước ta. Đây là cơ hội cho lao động Việt Nam tự do lựa chọn nơi làm việc và được đối xử bình đẳng, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn khi tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ của lao động nước ta chưa cao. “Trước đây, chúng ta định vị nguồn nhân lực giá rẻ như một yếu tố cạnh tranh, thì nay sẽ không còn phù hợp nữa. Đặc biệt, khi định vị giá rẻ thì chúng ta đã bỏ qua các yếu tố quan trọng hơn, đấy là phát triển năng lực nội tại của chính người lao động”, bà Thảo phân tích.
Bên cạnh những thuận lợi, việc cam kết và thực hiện các cam kết sâu, rộng trong khuôn khổ Hiệp định TPP, AEC sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt là sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam vốn còn yếu, khả năng quản lý còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, đây là con đường mà sớm hay muộn Việt Nam cũng phải đi qua để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.