Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Việt Nam trúng cử Hội đồng chấp hành UNESCO

(Dân sinh) - Ngày 17/11/2021 trong khuôn khổ Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại Paris (Pháp), Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu 163/178, xếp thứ 6/27 quốc gia trúng cử.

Ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 phát biểu tại buổi họp.

Ông Mai Phan Dũng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 phát biểu tại buổi họp.

Hội đồng Chấp hành gồm 58 thành viên, là cơ quan điều hành quan trọng của UNESCO, chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và ngân sách của tổ chức, bỏ phiếu chọn ứng cử viên Tổng Giám đốc UNESCO để Đại hội đồng UNESCO thông qua.

Với số phiếu rất cao, 163/178 (tương đương với 92%), đây là lần thứ 5 Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO.

Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO.

Đây là kết quả của đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam, đồng thời là kết quả của quá trình triển khai bài bản và đồng bộ kế hoạch ứng cử của Việt Nam trong những năm vừa qua.

Việt Nam đã từng là thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 1978-1983, 2001-2005, 2009-2013 và nhiệm kỳ 2015-2019.

Trở thành thành viên Hội đồng Chấp hành nhiệm kỳ 2021-2025 là cơ hội để Việt Nam đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO trên 5 lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thông tin truyền thông;

Đồng thời khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam tại UNESCO nói riêng và trên trường quốc tế nói chung, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.