Đây là thông tin do Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (SKBMTE) công bố trong cuộc hội thảo “Phổ biến và lập kế hoạch chăm sóc bà mẹ - trẻ em” được tổ chức tại Hà Nội ngày 25/8/2016.
Tại hội thảo, Bộ Y tế khẳng định, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em nhằm giảm tử vong mẹ, trẻ em và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho người dân là mục tiêu ưu tiên không những của ngành Y tế, mà còn là của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế trong việc duy trì kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ hướng tới thực hiện các chỉ tiêu về SKBMTE của Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Tại Việt Nam, trong những năm qua, công tác chăm sóc SKBMTE/sức khỏe sinh sản đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Mặc dù đã có sự cải thiện rõ rệt về tình trạng SKBMTE, nhưng còn có sự khác biệt khá lớn về tình trạng sức khỏe, tử vong của bà mẹ, trẻ em giữa các vùng miền, nhóm dân tộc. Tốc độ giảm tử vong mẹ, đặc biệt là tử vong trẻ em trong những năm gần đây đã có xu hướng chậm lại. Tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm 3 lần từ 233/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 1990, xuống còn 69/100.000 năm 2010. Tuy tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh đã giảm mạnh, nhưng ước tính mỗi năm ở Việt Nam vẫn còn khoảng 580 – 600 trường hợp tử vong mẹ và trên 10.000 trường hợp tử vong trẻ sơ sinh.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh của người dân cũng như chất lượng dịch vụ, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biến giới, hải đảo còn nhiều hạn chế. Phong tục, tập quán lạc hậu trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em, tình trạng phụ nữ có thai không được quản lý thai và đẻ tại nhà không có cán bộ y tế hỗ trợ còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt ở các bệnh viện tuyến huyện chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị, hồi sức cấp cứu sản khoa và sơ sinh. Nhân lực về chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa rất thiếu, đặc biệt là tại tuyến huyện. Tỷ lệ bác sĩ đã khoa, bác sĩ chuyên khoa ngoại làm công tác sản khoa khá lơn. Năng lực chuyên môn của nhân viên y tế làm công tác chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở cũng còn có những hạn chế trong việc phân loại, phát hiện nguy cơ, tiên lượng, theo dõi, cấp cứu và hồi sức sản khoa, sơ sinh. Cán bộ y tế làm công tác sản phụ khoa, nhi khoa, nhất là ở tuyến huyện, xã ít có cơ hội được tham gia các lớp tập huấn bổ túc, cập nhật kiến thức và thực hành chuyên mon do thiếu kinh phí và không bố trí được người làm thay. Bên cạnh đó, còn có biểu hiện chủ quan, chưa kịp thời, chưa thực hiện nghiêm quy chế bệnh viện, quy định chuyên môn trong chẩn đoán, tiên lượng và xử trí cấp cứu, hồi sức sản phụ, trẻ sơ sinh khi có tai biến xảy ra.
Để giải quyết vấn đề trên, theo Th.S Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ SKBMTE, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 gồm các định hướng chính: Xây dựng kế hoạch can thiệp dựa trên các bằng chứng khoa học; Áp dụng các tiếp cận chăm sóc liên tục, toàn diện theo vòng đời và tiếp cận toàn diện dịch vụ chăm sóc SKBMTE; ưu tiên các can thiệp giảm tử vong mẹ và tử vọng trẻ em. Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ sức SKSS có chất lượng. Củng cố tăng cường mạng lưới cấp cứu và điều trị sản khoa, nhi khoa; tập trung làm giảm sự khác biệt về tình trạng sức khỏe và tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng ưu tiên; lựa chọn các can thiệp phù hợp với các điều kiện tự nhiên và xã hội, huy động tối đa sự tham gia của cộng đồng; cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS, trẻ em trọn gói, thiết yếu và hiệu quả, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng tuyến;…