Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Việt Nam ứng phó mạnh mẽ với vấn đề ma túy

Việt Nam là một trong những nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có những ứng phó mạnh mẽ với các vấn đề liên quan đến ma túy ở cả cấp chính sách và thực thi.

Ông Christopher Batt, Phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Hoàng Anh

Nhân “Ngày Thế giới phòng, chống ma túy” (26/6), phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Christopher Batt, Phụ trách Văn phòng Cơ quan phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về chính sách phòng, chống ma túy của Chính phủ Việt Nam?

Ông Christopher Batt: Việt Nam là một trong những nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có những ứng phó mạnh mẽ với các vấn đề liên quan đến ma túy ở cả cấp chính sách và thực thi. Việt Nam đã ký kết và cam kết mạnh mẽ với các công ước quốc tế về kiểm soát ma túy như Công ước duy nhất về Ma túy 1961 được sửa đổi theo Nghị định thư 1972, Công ước về các chất hướng thần 1971, Công ước về phòng chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần năm 1988.

Trong lĩnh vực kiểm soát nguồn cung cấp ma túy, Việt Nam đã xây dựng cơ chế pháp luật rất mạnh mẽ, là kim chỉ nam cho công tác đấu tranh với việc sản xuất, tàng trữ và buôn bán ma túy và thúc đẩy các giải pháp thay thế cho việc trồng cây thuốc phiện. Nhằm giảm nhu cầu, Kế hoạch đổi mới công tác cai nghiện ma túy đã được phê duyệt trong năm 2013 chứng tỏ tầm nhìn mới của Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề phụ thuộc ma túy và trong việc chuyển đổi từ các biện pháp mang tính trừng phạt sang hướng chú trọng vào sức khỏe hơn.

Kết quả là, đa số các cơ sở giam giữ bắt buộc đã được thay thế với các cơ sở điều trị tự nguyện và dựa vào cộng đồng cho những người bị phụ thuộc vào ma túy. Hệ thống chính sách quốc gia cũng hỗ trợ rộng rãi các cơ sở chăm sóc và điều trị Methadone, đang điều trị cho hơn 45.000 bệnh nhân phụ thuộc các chất dạng thuốc phiện trên toàn quốc.

Trong những năm tới, tôi nghĩ Việt Nam thậm chí có thể làm tốt hơn nữa trong các lĩnh vực phòng chống, kiểm soát ma túy bằng cách thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của cộng đồng, những người bị ảnh hưởng bởi ma túy trong công tác phát triển chính sách và chăm sóc điều trị ma túy.

Ông có thể cho biết trong thời gian tới, UNODC sẽ có giải pháp hỗ trợ gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại Việt Nam, thưa ông?

Ông Christopher Batt: Việt Nam là một thành viên của Liên Hợp Quốc, UNODC hỗ trợ các quốc gia thông qua nhiều kênh ở mức độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Việt Nam đã tham gia vào nhiều cuộc họp cấp cao trên toàn cầu và khu vực bao gồm Ủy ban về Ma túy Liên Hợp Quốc (CND) hoặc Phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về ma túy cũng như các diễn đàn tương tự trong khu vực Đông Nam Á và khu vực Thái Bình Dương.

Ở cấp độ quốc gia, UNODC đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ khác nhau cho Việt Nam. Chúng tôi tổ chức các khóa đào tạo cho Bộ Công an nhằm tăng cường kiểm soát ma túy qua biên giới. UNODC cũng sẽ hỗ trợ Bộ Tư pháp nâng cao năng lực của các cán bộ tòa án bao gồm thẩm phán phụ trách về các vấn đề lệ thuộc ma túy. Hai bên đang cân nhắc phát triển mô hình tòa ma túy tại Việt Nam, chuyên trách về tội phạm liên quan đến ma túy.

Nhằm giảm nhu cầu, UNODC vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển, nhân rộng mô hình điều trị, chăm sóc tại cộng đồng và trong trại giam. Mỗi năm, chúng tôi tiến hành các khóa đào tạo, vận động chính sách đối với các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ thực thi pháp luật, các nhà cung cấp dịch vụ và các ban ngành dựa vào cộng đồng tại các lĩnh vực khác nhau trong công tác phòng chống, kiểm soát ma túy.

Tại Kỳ họp đặc biệt về vấn đề ma túy trên thế giới (UNGASS 2016), nhiều quốc gia cho rằng cần có một chính sách linh hoạt, đặt con người vào vị trí trung tâm trong các giải pháp. Ông có thể phân tích rõ hơn về khía cạnh “đặt con người vào vị trí trung tâm”?

Ông Christopher Batt: Ngày 19/4/2016, Liên Hợp Quốc đã thông qua khuôn khổ mới đặt con người vào trung tâm của chính sách toàn cầu về kiểm soát ma túy. Giám đốc điều hành UNODC cho biết, khuôn khổ này có thể giúp thúc đẩy các "hành động cấp thiết, thống nhất và phối hợp cần thiết".

"Đặt con người vào vị trí trung tâm của chính sách toàn cầu" có nghĩa là tái khẳng định các nguyên tắc nền tảng của hệ thống kiểm soát ma túy toàn cầu, và nhấn mạnh đến sức khỏe và lợi ích của nhân loại. Đó chính là mục đích căn bản của các công ước quốc tế về ma túy. Điều đó có nghĩa là để giải quyết và đối phó với các vấn đề ma túy trên thế giới, chúng ta cần phải chú trọng đặc biệt vào các cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội trong một tổng thể nhằm thúc đẩy, bảo vệ sức khỏe, an toàn và hạnh phúc của cả nhân loại. Nó cũng đòi hỏi sự tái cân bằng của các chương trình, chính sách về ma túy, trong đó tập trung nhiều hơn vào con người và tập trung ít hơn vào ma túy.

Đặt con người vào trung tâm của các chính sách có nghĩa là cần phải có những phương pháp tiếp cận cân bằng dựa trên sức khỏe và nhân quyền, thúc đẩy sự an toàn và an ninh của xã hội. Đặt con người vào trung tâm có nghĩa là hướng tới tương lai và công nhận rằng các chính sách về ma túy trước hết phải bảo vệ tiềm năng và thúc đẩy cuộc sống khỏe mạnh, phát triển an toàn cho thế hệ trẻ. Các chính sách về ma túy tập trung chủ yếu vào việc sử dụng hệ thống tư pháp hình sự cần phải được mở rộng hơn bằng cách tiếp cận y tế công cộng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!