Tổng công ty Viễn thông Viettel (“Viettel Telecom”) – thành viên Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) – doanh nghiệp CNTT-VT lớn nhất Việt Nam chuyên cung cấp các dịch vụ mạng di động, viễn thông và công nghệ thông tin – và Tập đoàn Sony (“Sony”) – nhà sản xuất hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị điện tử, các sản phẩm công nghệ và thiết bị phụ trợ – hôm nay cùng kí kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa thẻ NFC Felica với công nghệ giao tiếp không tiếp xúc.
Bao gồm các dịch vụ: Tiền điện tử (Mobile E-money), Thẻ định danh (Identification), Quản lý quan hệ khách hàng (CRM) và Vé điện tử (E-ticketing) tại thị trường Việt Nam.
Hai bên cũng sẽ cùng nhau phối hợp thúc đẩy sự phát triển và khuyến khích áp dụng nền tảng này vào nhiều lĩnh vực ở Việt Nam.
Viettel và Sony cùng chung mục tiêu phát triển hệ thống thẻ thông minh nhằm giúp con người có một cuộc sống dễ dàng hơn, hiện đại hơn và tiện ích hơn.
Với nền tảng công nghệ thông minh, khách hàng có thể sử dụng dưới dạng thẻ, trên điện thoại di động hoặc bất cứ thiết bị tương thích nào tại các địa điểm như trường học, bệnh viện, bán lẻ và rất nhiều lĩnh vực khác.
“Khách hàng Viettel đã có thể dùng di động để chuyển tiền và thanh toán qua tài khoản ngân hàng với dịch vụ BankPlus. Đó chỉ là một ví dụ trong hàng loạt tiện ích Viettel đang và sẽ cung cấp nhằm đơn giản hóa cuộc sống số của khách hàng. Mục tiêu này của Viettel sẽ được tiếp sức khi hợp tác với Sony. Chúng tôi đánh giá công nghệ giao tiếp không tiếp xúc NFC FeliCa là giải pháp mới mẻ đầy tiềm năng cho lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam”, ông ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng Giám đốc Viettel Telecom, cho biết.
Ông Kazuyuki Sakamoto, Giám đốc Cấp cao của Sony FeliCa, phát biểu: “Chúng tôi sẽ nỗ lực đóng góp tích cực và phát triển những giải pháp Viettel cung cấp bằng việc ứng dụng công nghệ FeliCa của Sony”
Theo kế hoạch, Viettel và Sony sẽ phối hợp triển khai thử nghiệm giải pháp thẻ thông minh NFC FeliCa với các chức năng cơ bản gồm thanh toán và điểm danh, tích hợp với phần mềm SMAS để đánh giá tính khả thi của giải pháp.
Địa điểm thử nghiệm là hai trường học Nhân Việt và Nam Việt tại TP.HCM.