Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Nà Tu nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa của đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta đã làm nên những chiến thắng vang dội, đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc như chiến dịch Việt Bắc vào mùa Thu - Đông năm 1947.
Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Nà tu cũng là nơi Tổng đội Thanh niên xung phong đóng quân năm xưa và được Bác Hồ đã ghé thăm liên phân đội thanh niên xung phong 312 năm 1951. Đây cũng là nơi sinh sống của 7 dân tộc anh em (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay), trong đó dân tộc thiểu số chiếm 80%. Hiện nay, Bắc Kạn là tỉnh giàu tiềm năng du lịch bởi sự phong phú của tài nguyên, khoáng sản và nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc miền núi Đông Bắc Việt Nam.
Bà Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và bà Bùi Thị Hương – Giám đốc Điều hành Vinamilk trao quà cho các gia đình chính sách.
Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt của vùng đất này, nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018) và để nối tiếp tinh thần cũng như học tập lối sống yêu thiên nhiên và gần gũi với thiên nhiên của Bác Hồ, Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam với tinh thần “uống nước nhớ nguồn” đã tiến hành trồng 100.000cây các loại như ngọc lan, cây sấu, keo tai tượng, lát hoa,… có giá trị khoảng 930 triệu đồng để thể hiện sự biết ơn, tri ân đối với vùng đất anh hùng và đóng góp vào việc xây dựng cảnh quan, góp phần giúp địa phương tăng thêm diện tích cây xanh và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Đỗ Thanh Tuấn – Giám đốc Đối Ngoại Vinamilk trao bảng tượng trưng tặng 100.000 cây cho ông Ông Nông Quang Nhất - Giám đốc Sở Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn
Chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam là một hoạt động vì cộng đồng do Vinamilk khởi xướng cùng phối hợp với Tổng cục Môi trường (VEA) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2012 với mục đích trồng thêm nhiều cây xanh cho các địa phương trên khắp cả nước nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân Việt Nam. Chương trình tập trung hướng đến các khu vực mà cây xanh đem lại lợi ích thiết thực cho quốc gia và cộng đồng như: trồng cây bảo vệ rừng ngập mặn, mở rộng bờ biển, phục hồi rừng ven biển góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, cung cấp thêm mảng xanh cho các khu dân cư, khu tưởng niệm, khu di tích, khu công cộng, các trường học…
Ngoài 100.000 cây xanh chương trình “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” dành tặng cho tỉnh Bắc Kạn, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ Việt Nam, Vinamilk còn dành tặng 20 phần quà cho các gia đình liệt sỹ, thương binh, cựu thanh niên xung phong, người có công với cách mạng tại tỉnh Bắc Kạn.
Bà Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và các đại biểu trồng cây tại khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia Nà Tu, tỉnh Bắc Kạn.
Bước sang năm thứ 6 trong hành trình đem màu xanh phủ dọc chiều dài đất nước, Vinamilk và “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” đã đưa tổng số cây đã trồng tại hơn 20 tỉnh thành Việt Nam lên tới 680 ngàn cây xanh các loại với giá trị gần 9 tỷ đồng và đang từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu 1 triệu cây xanh cho Việt Nam. Trong thời gian sắp tới, Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam sẽ tiếp tục đưa nhiều cây xanh đến với nhiều tỉnh thành hơn trên cả nước để đem lại không gian xanh và môi trường sống trong lành cho mọi đối tượng người dân Việt Nam.
Bên cạnh chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam, Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam”, được thành lập từ năm 2008, dưới sự chủ trì của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội, đồng hành bởi Vinamilk cũng là một chương trình xã hội mang nhiều ý nghĩa nhân văn.
Với 1.540.800 ly sữa tương đương 10 tỷ đồng Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam dành cho hơn 17.000 trẻ em của 23 tỉnh thành trên cả nước vào năm 2018, tổng số ly sữa mà chương trình đã trao trong chặng đường 10 năm là hơn 33 triệu ly với tổng giá trị tương đương gần 140 tỷ đồng đến với gần 420 ngàn trẻ em khó khăn tại Việt Nam.