Ngay từ khi xuất hiện những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã xác định khẩu trang vải phòng dịch trong cộng đồng là một trong những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn lây lan virus. Theo đó, bên cạnh việc đáp ứng các đơn hàng với các sản phẩm may mặc truyền thống, Vinatex đã tổ chức một số đơn vị thành viên như Dệt kim Đông Xuân, Dệt kim Đông Phương, Dệt lụa Nam Định sản xuất nguyên liệu vải dệt kim kháng khuẩn, các đơn vị May 10, May Hưng Yên, Hòa Thọ, Việt Tiến, Nhà Bè, Đức Giang, Hanosimex, Dệt May Huế… may khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn.
Sau hai tháng 2-3/2020 Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên đã phát triển hai dòng khẩu trang vải phòng dịch trong cộng đồng. Số lượng cung ứng cho thị trường nội địa cho đến ngày 9/4/2020 là 60 triệu chiếc.
Đến nay, Vinatex đã tổ chức năng lực sản xuất để có thể đạt tới 100 triệu khẩu trang/tháng, phục vụ lâu dài công tác phòng chống dịch trong nước và nước ngoài.
Song song với việc tận dụng năng lực để sản xuất một mặt hàng hoàn toàn mới phục vụ cộng đồng, Vinatex cũng tham gia chia sẻ những khó khăn của các điểm nóng trong công tác phòng dịch, như các bệnh viện lớn, các cửa khẩu hải quan biên giới, các khu cách ly…
Trong đó, tháng 2/2020 Vinatex đã ủng hộ 500.000 khẩu trang vải kháng khuẩn do các đơn vị thành viên sản xuất. Tiếp tục hưởng ứng phong trào chung tay đẩy lùi dịch, tính đến hết tháng 3/2020, Vinatex và các đơn vị thành viên đã dành 2,5 triệu khẩu trang (trị giá 17 tỷ đồng) nhằm quyên góp, bao gồm:
Khoảng 1 triệu khẩu trang dành tặng cho các Bệnh viện, các điểm nóng về dịch bệnh như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bộ Đội Biên phòng, Hội chữ thập đỏ tỉnh Cao Bằng, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Sóc Trăng…
1,5 triệu khẩu trang còn lại được tặng những cơ quan, đơn vị và nhân dân các địa phương nơi có nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp thành viên Vinatex trú đóng.
Về Tập đoàn, sau kiểm toán năm 2019 LNST Vinatex (VGT) điều chỉnh tăng thêm 88 tỷ (lên 716 tỷ); trong đó LNST thuộc về công ty mẹ tăng từ 400 tỷ đồng lên 518,7 tỷ đồng.
Nguyên nhân, hoạt động tài chính điều chỉnh theo hướng tăng doanh thu và giảm chi phí, lãi liên doanh liên kết giảm gần 22 tỷ đồng, lãi khác giảm mạnh từ gần 88 tỷ đồng xuống còn gần 39 tỷ đồng… Đáng chú ý, VGT ghi nhận gần 238 tỷ đồng bán và cho thuê bất động sản.
Liên quan đến tác động của dịch bệnh, Tập đoàn đã liên tục họp khẩn để đưa ra phương án ứng phó, đồng thời "cầu cứu" lên Chính phủ để được giảm thuế, giảm bảo hiểm xã hội, vay trả lương không lãi suất…
"Nếu không có sự điều chỉnh về chính sách, khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4/2020. Lao động thiếu việc làm từ 30% tới 50% trong tháng 4 và tháng 5/2020. Thiệt hại ước tính với ngành lên tới trên 5.000 tỷ đồng; thậm chí tình hình kéo dài thêm thì mỗi tháng ngành sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng", văn bản buổi họp cuối tháng 3 của Vinatex cho hay.