Chương trình do VCCI phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TN&MT và Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức nhằm tìm kiếm và biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt kinh doanh có trách nhiệm trong cả 3 khía cạnh: Kinh tế - xã hội - môi trường.
Bộ chỉ số CSI tiếp tục được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia Chương trình. Năm 2021, Chương trình sẽ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực trên toàn quốc, thông qua hình thức nộp hồ sơ bản cứng hoặc khai trực tuyến và không thu bất kỳ khoản phí nào từ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình sẽ khai thông tin theo Bộ chỉ số CSI 2021 với 119 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững, chỉ số Quản trị; chỉ số Môi trường và Chỉ số Lao động - Xã hội.
Điểm mới của Chương trình CSI 2021 còn nằm ở 2 giải thưởng phụ về Bình đẳng giới tại nơi làm việc và Quyền trẻ em trong kinh doanh. Đây đều là những nội dung mà cộng đồng doanh nghiệp thế giới rất quan tâm, thể hiện cho tầm nhìn "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong văn hóa doanh nghiệp kinh doanh bền vững.
Nói về quyền trẻ em trong kinh doanh, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam nhận định: "Các doanh nghiệp vẫn hàng ngày tương tác trực tiếp và gián tiếp với trẻ em, vì các em là những lao động trẻ tuổi, con em nhân viên, người tiêu dùng và thành viên của cộng đồng xã hội. Vì vậy, doanh nghiệp có thể đóng góp cho việc cải thiện cuộc sống các em thông qua những chính sách và thực hành kinh doanh có trách nhiệm của mình, đóng góp cho sự phát triển bền vững. Tôn trọng quyền của trẻ em như một phần chương trình bền vững của doanh nghiệp sẽ giúp xây dựng cộng đồng vững mạnh hơn, là yếu tố thiết yếu tạo dựng môi trường kinh doanh hiệu quả, hòa nhập và ổn định".
Bà Lê Phương Thảo, điều phối Dự án thúc đẩy quyền trẻ em trong doanh nghiệp cho biết, quyền trẻ em trong kinh doanh trong bộ chỉ số CSI 2021 gồm 3 lĩnh vực: Quyền trẻ em tại nơi làm việc; quyền trẻ em và thị trường; quyền trẻ em trong cộng đồng và môi trường.
Quyền trẻ em tại nơi làm việc gồm các tiêu chí: Có chính sách quản lý rủi ro trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp; có chính sách quy định sử dụng lao động trong độ tuổi từ 15 đến dưới 18 (độ tuổi lao động tối thiểu; quy trình tuyển dụng bao gồm xác minh tuổi; điều kiện và quy định về việc làm phù hợp; không khoan nhượng với hành vi quấy rối, bóc lột, phân biệt đối xử với lao động trẻ; cam kết tạo cơ hội đào tạo tập huấn về kỹ năng nghề và kỹ năng sống; thỏa thuận với nhà thầu và đối tác); có chính sách ứng xử về phòng chống quấy rối tình dục nơi công sở; có các chế độ chăm sóc con cái (nhà trẻ trong khuôn viên hoặc gần nơi làm; hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ; trợ cấp nuôi con nhỏ; thời gian làm việc linh hoạt; chế độ thai sản, nghỉ sinh con, nghỉ phép cho cha mẹ); tuân thủ về thời gian làm việc, nghỉ ngơi; xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, phát triển nghề nghiệp và kỹ năng nghề cho người lao động nhằm nâng cao hiệu quả công việc, đáp ứng các chỉ tiêu chiến lược trong môi trường luôn thay đổi; tạo việc làm, nhận người lao động thuộc nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương; tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại doanh nghiệp; không phân biệt đối xử; không cưỡng bức lao động cùng với phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, áp dụng cho nhà thầu và đối tác.
Quyền trẻ em và thị trường gồm các tiêu chí như: Tuân thủ các yêu cầu về tiếp thị, nhãn hiệu sản phẩm/dịch vụ; kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm/dịch vụ nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em.
Quyền trẻ em trong cộng đồng và môi trường gồm: Chính sách môi trường và sử dụng tài nguyên hướng đến mối nguy hại tiềm ẩn cho trẻ em và phụ nữ mang thai (quy trình nhận diện, đánh giá, giám sát rủi ro hoặc ảnh hưởng từ môi trường đến sức khỏe và an toàn cộng đồng bao gồm trẻ em và phụ nữ mang thai; có người phụ trách, bộ công cụ và quy trình đảm bảo sự tuân thủ quy định môi trường); tham vấn ý kiến cộng đồng về tác động môi trường của doanh nghiệp, công khai thông tin môi trường của doanh nghiệp.
Bà Lê Thanh Hằng, Giám đốc điều hành Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ) chia sẻ: "Cải thiện bình đẳng giới tại nơi làm việc đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, thu hút và giữ chân nhân tài, những yếu tố then chốt đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Giải thưởng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế về bình đẳng giới, hướng đến xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, đa dạng và bền vững".
Cũng theo bà Hằng, có 6 tiêu chí đánh giá tình hình bình đẳng giới tại nơi làm việc gồm: Chính sách đa dạng giới trong Hội đồng quản trị và ban giám đốc; công bằng về lương thưởng (đảm bảo thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác); bình đẳng giới trong tuyển dụng, bổ nhiệm và thăng tiến; chiến lược/ chương trình đào tạo, phát triển và thăng tiến cán bộ nữ; các chính sách hỗ trợ người lao động cân bằng cuộc sống (chính sách làm việc linh hoạt, chế độ thai sản); môi trường làm việc an toàn và được tôn trọng, chống quấy rồi và phân biệt đối xử.