Thực hiện Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ; Bộ Công Thương đã nhận được 92 hồ sơ của 15 Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi đến đề nghị xét tặng danh hiệu cho 10 Nghệ nhân Nhân dân và 82 Nghệ nhân Ưu tú.
Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và Hội đồng cấp Nhà nước đã nghiên cứu hồ sơ, tổ chức Đoàn Công tác đi đến tận cơ sở của 92 nghệ nhân, đánh giá thực tế; bỏ phiếu lựa chọn, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước Quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 04 cá nhân, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 01 cá nhân và phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” cho 72 cá nhân.
Quyết định này đã thể hiện sự ghi nhận, quan tâm sâu sắc, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, vai trò của các nghệ nhân trong phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ.
Các nghệ nhân được phong tặng, truy tặng lần này là những nghệ nhân có nhiều cống hiến, tâm huyết, tận tụy với nghề; có kỹ năng, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt trong thiết kế, kỹ thuật chế tác làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế và mỹ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của các địa phương, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, tôn vinh; đại diện cho 27 nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống tinh xảo, độc đáo.
Qua Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” hôm nay, Bộ Công Thương tin tưởng, mong rằng trong thời gian tới các nghệ nhân bằng tâm huyết cống hiến, lòng say mê nghề nghiệp, tiếp tục có nhiều đóng góp tài năng, phát huy ý tưởng sáng tạo, bàn tay khéo léo để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới.
Đồng thời liên tục đẩy mạnh việc đào tạo, truyền nghề cho nhiều thợ giỏi, kế thừa truyền thống, phát triển được nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, đặc sắc, đảm bảo tính thẩm mỹ - dân tộc - hiện đại - đại chúng, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội và xây dựng quê hương.
Từ đó góp phần tuyên truyền quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa, lịch sử dân tộc ta đến với Nhân dân thế giới.
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có 5.411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Đây là lợi thế rất lớn trong việc xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) nhiều tiềm năng này.
Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, phát triển thương hiệu là cách để các ngành nghề thể hiện sức mạnh, tạo điều kiện xuất khẩu sản phẩm ra nhiều quốc gia trên thế giới.
Mặt hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới, được xuất khẩu trên 163 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Mặc dù đã và đang có những đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cũng như nhiều lợi ích kinh tế xã hội khác, song các làng nghề thủ công mỹ nghệ hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển và mở rộng thị trường cũng như nâng cao giá trị thương hiệu.
Nâng cao năng lực cạnh tranh marketing xuất khẩu cho doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ chính là giải pháp quan trọng để xây dựng, phát triển ngành TCMN nói riêng và làng nghề Việt Nam nói chung theo hướng bền vững, đủ sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập.