Xã hội hóa trạm cấp nước
Năm 1987, Chương trình Nước sinh hoạt nông thôn Cửu Long ra đời với nhiệm vụ chính cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn từ các giếng khoan bơm tay, bể lọc cát chậm với lu xi măng dung tích 200 lít. Chương trình mang ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện cho bà con vùng sâu tiếp cận nước sạch thay vì sử dụng nguồn nước lắng phèn sẵn có từ các kênh rạch xung quanh. Sau một thời gian triển khai, mô hình giếng khoan bơm tay đã lạc hậu, không còn phù hợp. Bên cạnh đó, điện lưới quốc gia đã về tận các xã, các ấp, Trung tâm NS&VSMTNT Vĩnh Long quyết định Thiết kế một số giếng khoan sử dụng bơm điện công suất lớn, đưa nguồn nước sạch đến nhiều gia đình. Trải qua giai đoạn thí điểm dưới sự tài trợ của Tổ chức UNICEF, mô hình giếng bơm điện đã phát huy hiệu quả, tạo tiền đề cho việc thành lập hệ thống cấp nước tập trung quy mô nhỏ, phục vụ mỗi cụm dân cư khoảng 300 hộ.
Theo ông Võ Anh Duy, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Vĩnh Long, hiện kinh phí hoạt động dựa vào phần lớn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia, ngân sách của tỉnh, dự án của Ngân hàng Thế giới (WB), Úc và nguồn vốn đối ứng của Trung ương, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ khác. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên việc duy trì, mở rộng mạng lưới cấp nước gặp không ít khó khăn. Để khắc phục tình trạng trên, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, giúp cho người dân có thêm kiến thức về vệ sinh môi trường nông thôn, đặc biệt sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Nhận thấy lợi ích cho bản thân và cộng đồng, nhiều hộ đã tình nguyện góp đất, kinh phí cùng với Trung tâm xây dựng các trạm cấp nước nhỏ, lẻ đấu nối nguồn nước dẫn đến từng hộ.
Trạm cấp nước Mỹ Lộc 2 (huyện Tam Bình, Vĩnh Long).
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Lợi (ngụ ấp Phú Hưng, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) hồ hởi chia sẻ: “Nghe phân tích lợi ích của chương trình nước sạch, ai cũng vui. Cùng với các hộ khác, gia đình tôi tình nguyện góp 250m2 đất để xây Trạm cấp nước Hòa Phú I. Từ ngày trạm đi vào hoạt động, nước sạch dẫn đến tận nhà, không còn cảnh xô thùng xách nước lóng phèn để tắm rửa, nấu nướng...”.
Mở rộng mạng lưới cấp nước đến người dân
Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm 2015 UBND tỉnh đã duyệt chi 72 tỉ đồng để nâng cấp và mở rộng 14 tuyến ống, lắp đặt thêm 7.000 đồng hồ nước tại các cụm dân cư nông thôn phân tán. Ngoài ra, tỉnh còn bổ sung kinh phí triển khai thi công hệ thống cấp nước tập trung tại xã Tân Phú (huyện Tam Bình), đẩy nhanh tiến độ thi công 3 công trình mở rộng trạm cấp nước tại xã Thanh Bình (huyện Vũng Liêm) Hựu Thành và Tích Thiện (huyện Trà Ôn) với tổng kinh phí đầu tư lên đến 8,7 tỉ đồng từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia NS&VSMTNT. Bên cạnh đó, UBND tỉnh bố trí 43,4 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cho 22 dự án, công trình cấp nước sạch nông thôn. Đến nay các chủ đầu tư đã giải ngân trên 12,7 tỷ đồng cho các công trình mở rộng tuyến ống tại trạm cấp nước ở các xã: Mỹ Lộc (huyện Tam Bình), Hòa Phú (huyện Long Hồ), Hòa Bình (huyện Trà Ôn) và Chánh Hội (huyện Mang Thít).
Ngoài ra tại các xã nông thôn mới, tổ chức đoàn thể đã vận động lắp đặt 1.000 đồng hồ nước cho các hộ dân, đến nay toàn tỉnh Vĩnh Long có 17/21 xã điểm xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí về hộ sử dụng nước sạch. “Tính đến cuối tháng 6/2015, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, tỷ lệ các hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 89%, tăng 2,4% so với năm 2014. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2015, sẽ đạt 90%...”, ông Nguyễn Hồng Đức, Phó Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Vĩnh Long khẳng định.