Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vĩnh Long: Nỗ lực đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Với quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua công tác đào tạo nghề đã có những chuyển biến tích cực. Sau khi hoàn thành chương trình tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn các học viên đã phát huy được nghề ngay tại địa phương hoặc hành nghề tại một số doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động để giảm nghèo bền vững.

Nâng cao chuyên môn kỹ thuật cho người lao động

Theo báo cáo của ngành LĐTB&XH Vĩnh Long, từ đầu năm 2015 đến nay tỉnh đã tuyển sinh học nghề cho gần 3.300 người, gồm cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề  người, dạy nghề ngắn hạn và dạy nghề thường xuyên khác.

Trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn: đã mở được 23 lớp đào tạo nghề cho 723 lao động nông thôn. Góp phần nâng tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật đến cuối quý I/2015, đạt 51,03%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 32,70%.

Để người dân có nhiều cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được đổi mới từng năm theo nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, sàn giao dịch việc làm của tỉnh đã phát huy tối đa lợi thế, thực sự trở thành cầu nối “người tìm việc, việc tìm người”.

Ngoài ra, việc liên kết với các doanh nghiệp, các trường; nghiên cứu mở rộng thị trường lao động, khai thác tốt các chính sách và tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ lao động trong học nghề, XKLĐ… đã được phát huy hiệu quả, từ đó giúp người nghèo giải quyết khó khăn về vốn, phương tiện sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất, kinh doanh và cải thiện thu nhập.

Phụ nữ nông thôn được học nghề nâng cao thu nhập.

Gia đình chị Nguyễn Thị Trang (xã Long An, huyện Long Hồ) sống chủ yếu từ nghề phụ hồ của chồng. Sau khi được đào tạo nghề thủ công, chị Trang đã có việc làm, có thu nhập thường xuyên. Từ đó, gia đình chị đã từng bước vượt qua khó khăn. 

Ông Bùi Văn Hưng (xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn) trước đây cả gia đình đều trông chờ vào nghề chạy xe ôm của ông, từ khi vợ ông lãnh hàng đan dây nhựa về nhà đã giúp gia đình có thêm thu nhập trang trải được chi phí sinh hoạt hàng ngày, cải thiện thu nhập.

Ngoài ra, với nguồn vốn vay từ chương trình giảm nghèo ông đã mua cặp bò giống, vừa tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình, vừa kiếm thêm thu nhập. Hàng năm khi Trung tâm Dạy nghề giới thiệu việc làm huyện Trà Ôn phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề chăn nuôi ông điều tích cực tham gia.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Đạo, Giám đốc Sở LĐTB&XH Vĩnh Long cho biết, với việc triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách của Nhà nước về lao động - việc làm, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động; nâng cao chất lượng dự báo và thông tin thị trường LĐ; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm… ngành LĐ-TB&XH đã góp phần tích cực trong việc kết nối cung- cầu lao động, đồng thời giúp lao động nông thôn phát huy hiệu quả các ngành nghề đã được học.

Khuyến khích nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp

Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long khuyến khích phát triển, đào tạo các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, nhất là đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu cho các Công ty đang triển khai Dự án đầu tự tại tỉnh Bạc Liêu, trong đó có Dự án may mặc.

Đối với các ngành nghề nông nghiệp, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã có những giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo ra nhiều mô hình có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Đồng thời, tỉnh khuyến khích nhân rộng các mô hình dạy nghề nông nghiệp, nâng cao kiến thức cho hộ nông dân ứng dụng vào sản xuất, kết hợp với các mô hình dạy nghề phi nông nghiệp, gắn với hoạt động của hợp tác xã, làng nghề như: dạy nghề đan đát, xe lõi cói gắn với làng nghề sản xuất và sơ chế cói xã Thanh Bình, (huyện Quới Thiện); dạy nghề trồng và sơ chế nấm rơm gắn với làng nghề sản xuất nấm rơm xã Trung Thành (huyện Vũng Liêm); dạy nghề tạo hình sản phẩm gốm gắn với làng nghề gốm đỏ xã Mỹ An (huyện Mang Thít),...

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh là nâng cao nhận thức của người dân trong công tác đào tạo nghề. Thông qua các hội, đoàn thể, tỉnh Vĩnh Long sẽ đẩy mạnh công tác vận động hộ dân, người lao động về vai trò của dạy nghề, học nghề gắn với việc làm để giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB & XH tỉnh sẽ chủ động khảo sát lại nhu cầu của người học nghề, xây dựng kế hoạch ngành nghề đào tạo, số lượng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.