Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vĩnh Long: Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em

(Dân sinh) - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có công văn chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em theo Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh cần tập trung vào các giải pháp như: Đổi mới công tác tuyên truyền, ưu tiên thời điểm, thời lượng phát sóng các chương trình về chính sách, pháp luật về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về trẻ em và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về trẻ em; Tăng cường phối hợp liên ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em và đẩy mạnh việc huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.

Đối với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, bên cạnh các giải pháp mang tính thường xuyên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước; chỉ đạo hệ thống cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoạt động hiệu quả, bảo đảm an toàn, thân thiện và phòng, chống xâm hại trẻ em; Thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em hoạt động tốt hơn và để việc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em trong quá trình xây dựng và thực hiện chương trình, chính sách, pháp luật về trẻ em bảo đảm thực chất, hiệu quả hơn.

Đối với ngành Y tế, cần đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi và yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh ưu tiên khám, chữa bệnh cho trẻ em là nạn nhân của các vụ xâm hại, chỉ đạo các Trung tâm Giám định y khoa tỉnh, Trung tâm Giám định pháp y ưu tiên giám định đối với các vụ xâm hại trẻ em.

Đối với ngành Giáo dục, bên cạnh công tác tuyên truyền, trang bị bổ sung các kỹ năng cần thiết cho học sinh và giáo viên, tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục trẻ em. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành giáo dục thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện căn bản điều kiện vệ sinh, nước sạch, an toàn thực phẩm trong trường học; Đẩy mạnh các giải pháp giảm thiểu tình trạng trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học; Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn, thương tích trẻ em trong trường học.

Đối với ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch, yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp tuyên truyền hướng tới xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người thân của các em trong việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; tăng cường các biện pháp phòng ngừa nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.

Đối với các ngàn Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng ngừa, rà soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, kể cả xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, các hành vi mua bán trẻ em, đặc biệt là mua bán trẻ sơ sinh; Xây dựng các mô hình phòng ngừa xâm hại trẻ em, phòng ngừa, quản lý, giáo dục, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; kiềm chế và kéo giảm từ 5% đến 7% các tội phạm xâm hại trẻ em; nắm đầy đủ, kịp thời thông tin các đối tượng đã có tiền án về xâm hại trẻ em để tiến hành các biện pháp phòng ngừa kịp thời, phù hợp; tuyên truyền phòng, chống ma túy trong thiếu niên học sinh; xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo, mua bán, dụ dỗ, lôi kéo người chưa thành niên sử dụng trái phép chất ma túy, hoạt động tội phạm về ma túy.

Đối với Sở Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu, triển khai các giải pháp kết nối giữa người dân, trẻ em với các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em; Hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; Xử lý cơ quan báo chí, xuất bản, tổ chức, cá nhân hoạt động trên môi trường mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ hình ảnh, thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; Nghiên cứu các giải pháp phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị, từng bước trang bị hệ thống kỹ thuật giám sát an ninh nơi công cộng, nhất là tại khu vực trường học, chung cư, khu vui chơi, giải trí trẻ em.

Đối với Ban Dân tộc, phải tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi để đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc; Thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em dân tộc thiểu số; vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em; Bảo đảm các trẻ em bị xâm hại được áp dựng các biện pháp can thiệp, các trẻ em có nguy cơ xâm hại được áp dụng biện pháp hỗ trợ kịp thời để phòng ngừa việc xảy ra hành vi xâm hại với các em.

Đặc biệt lưu ý và có giải pháp phòng ngừa nguy cơ mất an toàn cho trẻ em đối với các khu dân cư, nhà cao tầng, khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em, cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa, thể thao thuộc địa bàn quản lý; Chịu trách nhiệm khi để xảy ra trường hợp trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, đuối nước, các vụ việc vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn phụ trách.