Tỉnh Vĩnh Long luôn huy động mọi nguồn lực xã hội đê tạo cơ hội cho các đối tượng yếu thế vươn lên hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Minh Tuấn
Chăm lo toàn diện cho các đối tượng khó khăn
Theo số liệu của Sở LĐTBXH, toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 44 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên, trong đó có 223 người được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, 43.790 người hưởng trợ cấp ngoài cộng đồng.
Nhằm trợ giúp hiệu quả cho các đối tượng, tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện việc chi trả kịp thời, đầy đủ trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng. Năm 2018, tỉnh đã tiến hành chi trả trợ cấp thường xuyên cho 20.193 người cao tuổi, trong đó có 19.651 người từ đủ 80 tuổi trở lên không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, 542 người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ, quyền hạn phụng dưỡng. Tỉnh còn đặc biệt quan tâm tới công tác chăm sóc sức khỏe, chúc thọ, mừng thọ. Hiện 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn đã có Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; 94.224 người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), chiếm 77,4% tổng số người cao tuổi, trong đó 100% người cao tuổi từ 80 tuổi được cấp thẻ BHYT.
Vĩnh Long cũng đã triển khai kịp thời các chế độ chính sách theo quy định cho 18.553 người khuyết tật đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội và được cấp thẻ BHYT. Trong năm 2018, tỉnh cũng tổ chức bác sĩ đến khám bệnh tại nhà cho 2.053 lượt người khuyết tật đặc biệt nặng không đến được trạm y tế ; tổ chức 66 đợt khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 17.747 lượt người, với số tiền là 1,8 tỷ đồng. Hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim cho 49 người với số tiền là 3,1 tỷ đồng, trợ giúp phẫu thuật đục thủy tinh thể cho 1.467 ca với số tiền là 4,9 tỷ đồng. Ngoài ra, còn giới thiệu học nghề mới cho 265 trường hợp, đào tạo các nghề: đan thảm lục bình, đan nilon, làm nail, hớt tóc, điện tử cho 115 trường hợp; Giới thiệu việc làm cho 365 trường hợp; Hỗ trợ vốn cho 967 trường hợp với số tiền là 1,9 tỷ đồng để bán vé số, chăn nuôi, buôn bán nhỏ…
Thực hiện Đề án Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng, năm 2018, tỉnh đã thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng cho 1.819 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tiến hành cấp 706 xe lăn, xe lắc, 486 xe đạp cho trẻ em khuyết tật; điều trị bệnh và phục hồi chức năng cho 3.250 lượt trẻ, đạt 172,96%; miễn giảm học phí 61 em, vận động hỗ trợ 156.450 quyển tập, 925 bộ sách giáo khoa, 1.344 bộ đồng phục và 2.911 suất học bổng cho học sinh mồ côi, khuyết tật nghèo; hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm cho 365 em; hỗ trợ sửa chữa và xây dựng 143 căn nhà; cấp phát gạo với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng.
Song song với thực hiện chính sách trợ giúp thường xuyên, tỉnh Vĩnh Long còn đặc biệt quan tâm đến việc trợ giúp đột xuất cho các đối tượng bị rủi ro do thiên tai, tai nạn nghiêm trọng và những lý do bất khả kháng khác nhanh chóng ổn định đời sống. Trong năm 2018, tỉnh đã hỗ trợ nhà cháy, sập, tốc mái, có người chết, người bị thương nặng cho149 trường hợp với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; chi trợ cấp đột xuất cho 138 trường hợp với tổng số tiền là 160 triệu đồng.
Đại diện Tập đoàn Thiên Long tặng quà cho Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Hoàng Long
Tăng cường chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện
Là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho đối tượng thụ hưởng, giúp công tác này được kịp thời, đúng đối tượng, từ tháng 8/2016, Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Long đã ký Hợp đồng trách nhiệm chi trả giữa Phòng LĐTBXH cấp huyện và Bưu điện 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Bưu điện tỉnh đã tiến hành chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội cho 961.781 lượt đối tượng với số tiền gần 379 tỷ đồng tại 110 điểm chi trả trên địa bàn tỉnh. Thời gian chi trả theo hợp đồng được thực hiện từ ngày 7 đến ngày 15 hàng tháng.
Qua 2 năm triển khai thực hiện, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các đơn vị liên quan, Sở LĐTBXH Vĩnh Long cũng đã chủ động nghiên cứu, lấy ý kiến địa phương và đơn vị cung cấp dịch vụ ban hành quy trình thanh quyết toán chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội qua bưu điện thống nhất trong toàn tỉnh. Cùng với đó, Sở cũng đã tổ chức gần 20 lớp tập huấn về công tác triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội cho lãnh đạo bưu điện các cấp và cán bộ chi trả bưu điện được nâng cao kiến thức về lĩnh vực đang thực hiện nhằm phục vụ đối tượng ngày càng tốt hơn. Các thông tin báo cáo, lưu trữ giữa địa phương và đơn vị cung cấp dịch vụ bưu điện luôn được Sở quản lý, theo dõi đúng quy định. Trong năm 2016 và 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các phòng chức năng của Sở đã tổ chức 5 cuộc thanh tra, 4 cuộc giám sát về việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại các huyện trên địa bàn.
Có thể nói, việc thực hiện chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện ở Vĩnh Long đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chức năng nhiệm vụ của cán bộ công chức, viên chức trong phục vụ người dân, bảo đảm an toàn dòng tiền chi trả cho đối tượng, giúp cán bộ LĐTBXH tránh những sai sót trong triển khai, phòng ngừa tiêu cực trong thực thi chính sách.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Vĩnh Long sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các đề án, chương trình trợ giúp xã hội cho các đối tượng yếu thế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính vào công tác quản lý, giải quyết chính sách theo hướng rút ngắn thời gian, quy trình, đảm bảo công khai, minh bạch, phục vụ tốt nhất cho các đối tượng thụ hưởng.
An Nhiên/TC GĐ&TE