Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Virus corona biến ngày vui nhất năm của người Trung Quốc thành ác mộng

Theo Zing.vn, tại thành phố đang là trung tâm của đại dịch virus corona, Tết Nguyên đán bị nhấm chìm trong không khí lo âu về lệnh phong tỏa và rủi ro nhiễm bệnh nguy hiểm chết người.

Các hoạt động đón mừng Tết Nguyên đán diễn ra cách nơi Chen Yanming đang đứng chỉ vài tiếng đồng hồ.

Thay vì giúp gia đình chuẩn bị bữa cơm giao thừa thịnh soạn, Chen phải đứng chờ bên ngoài bệnh viện thành phố Vũ Hán với cảm giác đầy lo âu. Cha cô đang được xét nghiệm có nhiễm virus nguy hiểm chết người bùng phát tại thành phố từ tháng 12/2019.

"Hôm nay đáng lẽ là ngày vui nhất của người dân Trung Quốc", người phụ nữ 47 tuổi chia sẻ.

"Căn bệnh này hủy tất cả những niềm vui đó. Mọi thứ xảy đến đột ngột và không ai có thể ngờ trước. Đáng lẽ chúng tôi phải được chuẩn bị tốt hơn", Chen bày tỏ bức xúc về tình hình tại thành phố với 11 triệu dân, hiện đã bị phong tỏa để ngăn chặn virus tiếp tục lan rộng.

Đón năm mới giữa nguy cơ đại dịch

Chủng virus corona bí ẩn xuất hiện tại Trung Quốc vào thời điểm không thể nào tệ hơn. Kỳ nghỉ lễ lớn nhất năm tại nước này biến thành chuỗi ngày dài của những lo âu, sợ hãi, cấm đoán và phẫn nộ.

Căn bệnh có các triệu chứng tương tự viêm phổi, gây ra bởi chủng virus corona mới (nCoV), đã được ghi nhận với gần 1.400 trường hợp trên khắp Trung Quốc đại lục.

Ít nhất 41 người thiệt mạng sau khi nhiễm virus, trong đó riêng tại Vũ Hán có đến 15 ca được thông báo vào sáng 25/1. Hơn 20 trường hợp nhiễm virus được xác định bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Mỗi dịp Tết Nguyên đán, hàng trăm triệu dân Trung Quốc bước vào cuộc "đại di dân" để hồi hương hoặc du lịch sau một năm dài làm việc. Điều này khiến nguy cơ phát tán virus trên diện rộng gia tăng.

Đối với nhiều lao động xa quê, Tết Nguyên đán là cơ hội duy nhất để họ có chút thời gian về nhà và ở bên con cái. Đây cũng là dịp để những gia đình có điều kiện được xả hơi, đi du lịch tại Bắc Kinh, hay các danh lam thắng cảnh ở Trung Quốc hoặc nước ngoài.

Tuy nhiên, trong nỗ lực kiềm tỏa dịch bệnh lây lan mùa Tết năm nay, giới chức Trung Quốc buộc phải đóng cửa giao thông công cộng và áp đặt các lệnh hạn chế đi lại lên 18 thành phố ở tỉnh Hồ Bắc, ảnh hưởng lên một khu vực với hơn 56 triệu dân, theo AFP.

Virus corona biến ngày vui nhất năm của người TQ thành ác mộng - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng tại một bệnh viện ở Vũ Hán chờ xét nghiệm với hy vọng mình không nhiễm virus corona. Ảnh: New York Times.

Tết không đoàn tụ

Những con đường ở Vũ Hán vắng đến rợn người vào ngày 24/1 (tức 30 tháng Chạp). Chỉ có những tuyến đường gần bệnh viện là đông người qua lại.

Phần lớn các cơ sở trong thành phố đóng cửa. Tàu điện ngầm, xe buýt và phà tạm dừng hoạt động. Người dân không được rời khỏi thành phố. Bệnh nhân xếp hàng dài ở các bệnh viện chờ xét nghiệm. Ai chưa xuất hiện triệu chứng thì "cố thủ" trong nhà thay vì tìm đến nhà người thân gặp mặt đón năm mới.

Phía trước bệnh viện nơi Chen chờ cha khám bệnh, ôtô và xe đạp liên tục chở người cao tuổi đến làm xét nghiệm. Họ không thể thuê xe taxi đưa người bệnh đến gặp bác sĩ vì lệnh hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Bệnh nhân các khoa không liên quan đến hô hấp và bệnh truyền nhiễm phải tự "di tản". Họ lánh ra bên ngoài tòa nhà vì trong bệnh viện quá đông và môi trường dễ lây lan virus. Có người thậm chí phải trốn sang bên kia đường, trên tay còn đang truyền dịch. Anh nói không muốn kẹt giữa đám đông nhiễm bệnh.

"Chúng tôi không đón giao thừa đêm nay được. Không còn tâm trạng mà ăn mừng", Wu Qiang, một người đàn ông trung niên tại Vũ Hán đang đứng chờ kết quả xét nghiệm của con trai, chia sẻ.

"Tôi mong thằng bé sẽ khỏe. Giờ đây, ngay cả nhức đầu nhảy mũi bình thường cũng khiến chúng tôi lo lắng. Ho và nhảy mũi khiến bạn nghĩ ngay đến virus", Wu cho biết con trai ông bị sốt vài ngày qua.

Virus corona biến ngày vui nhất năm của người TQ thành ác mộng - Ảnh 2.

Tuyến đường cao tốc tại Vũ Hán vắng vẻ sau lệnh cấm đi lại để hạn chế lây lan dịch bệnh. Ảnh: AP.

Tâm lý hoài nghi

Đối với nhiều gia đình ở Vũ Hán, Tết Nguyên đán đã trở thành tuần lễ của chờ đợi trong lo âu và hoài nghi. Họ trông ngóng sự hỗ trợ y tế từ chính phủ. Một thông báo vùng hết dịch và giao thông được khôi phục bình thường trở lại sẽ dỡ bỏ gánh nặng đang đè nén trên ngực hàng triệu người.

"Chính phủ nói có hàng nghìn giường bệnh sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, nhưng mọi nơi đều chật kín", Xiao Hongxia nói cha cô, ông Xiao Shibing, đang không được chăm sóc đầy đủ dù đã có triệu chứng nhiễm virus corona.

"Đến bác sĩ còn phải khóc thét vì họ bất lực không thể làm được gì cho bệnh nhân", Xiao kể lại.

Mặc dù đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao mức độ minh bạch thông tin của Trung Quốc trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch bùng phát, các ý kiến trái chiều vẫn xuất hiện.

Trên mạng xã hội Trung Quốc bắt đầu có nhiều ý kiến chỉ trích giới lãnh đạo thành phố phản ứng chậm chạp. Trong một số đoạn phỏng vấn được truyền thông quốc tế đăng tải, nhiều người dân Trung Quốc hoài nghi chính phủ không công bố đầy đủ thông tin khi tình hình diễn biến xấu đi.

Có 30/31 tỉnh và vùng lãnh thổ của Trung Quốc phát hiện người nhiễm virus corona. Ít nhất hai ca tử vong bên ngoài tỉnh Hồ Bắc. Disneyland Thượng Hải, một trong những điểm du lịch hút khách nhất Trung Quốc, và khu Bát Đại Lĩnh của Vạn Lý Trường Thành đã tạm thời đóng cửa từ ngày 25/1.

Bắc Kinh hủy hàng loạt sự kiện đón mừng Tết Nguyên đán và cho đóng cửa Tử Cấm Thành đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Nhiều thành phố cũng buộc các rạp chiếu phim, quán bar và quán cà phê ngừng hoạt động để hạn chế virus lây lan.

Virus corona biến ngày vui nhất năm của người TQ thành ác mộng - Ảnh 3.

Cảnh sát vũ trang được huy động phong tỏa nhà ga Vũ Hán. Ảnh: AP.

Khủng hoảng nguồn lực

Bác sĩ Gauden Galea, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc, nhận định có thể đã có hàng nghìn người nhiễm virus và đợt bùng phát dịch này sẽ tiếp tục kéo dài.

"Văn phòng của tôi đang chuẩn bị cho tình hình tiếp diễn trong nhiều tháng. Chúng tôi không kỳ vọng dịch bệnh kết thúc chỉ sau vài ngày", bà cho biết.

Tại Vũ Hán, dù hàng hóa tại các siêu thị vẫn đảm bảo số lượng, nhiều người dân địa phương cho biết giá cả đang tăng chóng mặt, đặc biệt là trái cây và rau tươi. Nhiều khu chợ đóng cửa khiến một số mặt hàng tươi sống khan hiếm.

Nhu cầu cấp thiết hiện nay của thành phố là đảm bảo vật dụng y tế, khẩu trang, găng tay, thiết bị bảo hộ cho nhân viên bệnh viện khi tiếp xúc với người nghi nhiễm virus corona. Nguồn cung các mặt hàng này đang cạn dần ở Vũ Hán trước sức ép của đại dịch, theo xác nhận của nhân viên một số bệnh viện.

Tại Bệnh viện Số 4 ở Vũ Hán, một số y-bác sĩ phải tự tìm mua mặt nạ chống truyền nhiễm vì cơ quan không còn thiết bị đủ chất lượng. Bệnh viện Nhi Vũ Hán ngày 23/1 còn đăng thông báo trên mạng xã hội Weibo, kêu gọi cộng đồng quyên góp hỗ trợ do thiếu hụt trang thiết bị y tế.

Virus corona biến ngày vui nhất năm của người TQ thành ác mộng - Ảnh 4.

Virus corona đã lan tới hầu hết các tỉnh ở Trung Quốc. Đồ họa: Maps4news.com.

Chính quyền thành phố ngày 24/1 bắt đầu khởi công xây dựng một bệnh viện dã chiến với sức chứa gần 1.000 giường bệnh. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong 6 ngày và đưa vào hoạt động vào ngày 3/2.

Cũng theo Zing.vn, Truyền thông Trung Quốc cho biết một bác sĩ tại bệnh viện tỉnh Hồ Bắc đã tử vong sau khi nhiễm bệnh trong quá trình điều trị bệnh nhân tại thành phố Vũ Hán.

Kênh truyền hình CGTN cho biết bác sĩ Liang Wudong, 62 tuổi, đã tử vong vì nhiễm virus corona. Ông làm việc tại bệnh viện Hồ Bắc Tân Hoa và tham gia điều trị các ca bệnh tại Vũ Hán, nơi đầu tiên bùng phát dịch tại Trung Quốc từ tháng 12/2019.

Bác sĩ Liang Wudong, làm việc tại khoa tai-mũi-họng, được cho là bác sĩ đầu tiên tử vong vì nhiễm virus corona.

Trong diễn biến khác, giới chức y tế tỉnh Quảng Tây ở tây nam Trung Quốc ngày 24/1 vừa ghi nhận thêm một bé gái 2 tuổi nhiễm bệnh.

Giới chức Trung Quốc ngày 25/1 xác nhận có thêm 15 trường hợp tử vong tại tỉnh Hồ Bắc. Tổng số trường hợp tử vong vì virus corona tại Trung Quốc từ khi dịch bùng phát đến nay đã lên đến 42 người.

Giới chức Trung Quốc cũng ghi nhận thêm 180 ca nhiễm mới, với tổng số ca nhiễm đã lên đến hơn 1100 trường hợp, theo Bloomberg. Con số này tăng gần gấp đôi so với số liệu được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố chỉ một ngày trước đó, theo Wall Street Journal.

Nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận các ca nhiễm virus corona, làm dấy lên lo ngại dịch bệnh lây lan trên quy mô toàn cầu. Bộ Y tế Pháp ngày 24/1 thông báo 3 trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên của châu Âu đang được điều trị tại Paris và Bordeaux. Australia cũng xác định bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus corona là một người đàn ông Trung Quốc, hơn 50 tuổi. Ông đến Melbourne từ tuần trước và từng có thời gian lưu lại Vũ Hán.

Virus Vũ Hán thuộc một họ virus gây ra các bệnh về đường hô hấp. Nhiều dạng của virus corona chỉ gây ra cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, chủng virus phát hiện tại Vũ Hán dẫn đến những triệu chứng nghiêm trọng hơn và tỉ lệ tử vong cao.

Các bác sĩ Trung Quốc cho biết quá trình ủ bệnh của virus lên đến 14 ngày. Người bệnh thường 2 tuần sau khi nhiễm mới bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, trong thời gian chưa xuất hiện các triệu chứng, nguy cơ lây bệnh cũng không cao.