Vitamin A có vai trò qua trọng đối với trẻ
Vitamin A là một trong ba loại vi chất (iốt, vitamin A, sắt) quan trọng cần cho sự phát triển của trẻ. Vitamin A có đặc tính là không tan trong nước mà tan trong dầu mỡ ether, chloroform và aceton... Vitamin A là một vi chất có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ trong tăng trưởng, thị giác, bảo vệ biểu mô, tăng tiễn dịch.
- Tăng trưởng: Vitamin A giúp trẻ lớn lên và phát triển bình thường.
- Thị giác: Vitamin A có vai trò trong quá trình nhìn thấy của mắt.
- Bảo vệ biểu mô: Vitamin A bảo vệ sự toàn vẹn của các biểu mô, giác mạc mắt, biểu mô da, niêm mạc khí quản, ruột non và các tuyến bài tiết.
- Miễn dịch: Vitamin A tǎng cường khả nǎng miễn dịch của cơ thể. Vitamin A có khả nǎng làm tăng sức đề kháng với các bệnh nhiễm khuẩn, uốn ván, lao, sởi, phòng ngừa ung thư…
Khi thiếu vitamin A sẽ dẫn tới những hệ lụy như trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc. Biểu hiện sớm của thiếu vitamin A chính là giảm khả nǎng nhìn thấy lúc ánh sáng yếu hay còn gọi quáng gà. Thiếu vitamin A, biểu mô và niêm mạc ở trẻ dễ bị tổn thương. Tổn thương ở giác mạc mắt dẫn đến hậu quả mù lòa.
Thiếu vitamin A cũng làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, trẻ em dễ bị nhiễm trùng nặng, đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp, dẫn tới tăng nguy cơ tử vong.
Một số nguyên nhân dẫn tới việc trẻ em bị thiếu vitamin A đó là: Không được bú sữa mẹ; Chế độ ăn của trẻ không cung cấp đủ vitamin A và chất béo; Hay mắc các bệnh viêm hô hấp, tiêu chảy tái đi tái lại, sởi, nhiễm giun sán…; Suy dinh dưỡng nặng.
Có các nguồn cung cấp vitamin A cho trẻ là sữa mẹ cùng các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật. Sữa mẹ, đặc biệt là sữa non rất giàu vitamin A. Trẻ bú mẹ hoàn toàn không cần bổ sung vitamin A liều cao trong vòng 6 tháng đầu đời. Vitamin A cũng có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc động vật (như gan, thịt, cá, trứng, sữa…) và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, các loại rau quả có màu xanh, vàng và đỏ đậm (như rau muống, rau dền, mồng tơi, rau đay, rau ngót, bông cải xanh, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ, gấc…).
Phòng chống thiếu vitamin A ở trẻ em
Để phòng ngừa thiếu vitamin A cho trẻ, các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý chăm sóc trẻ từ khi trong bào thai bằng cách các bà mẹ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung những thực phẩm giàu vitamin A. Bà mẹ cũng cần uống vitamin A liều cao (200.000 IU) bổ sung ngay sau sinh để bảo đảm sữa mẹ có đủ vitamin A cho trẻ.
Cho trẻ nhỏ từ 0 - 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn là cách bổ sung vitamin A hiệu quả nhất.
Đối với trẻ nhỏ, cho ăn đầy đủ dinh dưỡng. Tập cho trẻ có thói quen ăn rau xanh, làm quen với nhiều loại thức ăn, không nên chiều theo sở thích trẻ cho trẻ ăn một loại thức ăn thường xuyên. Thức ăn cho trẻ nên da dạng, hợp khẩu vị.
Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ cũng là một cách phòng ngừa thiếu Vitamin A. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho trẻ vận động, ngủ, nghỉ hợp lý.
Vì vitamin A là loại vitamin tan trong dầu nên trong quá trình chế biến thức ăn cho trẻ phải bổ sung dầu, mỡ giúp tăng cường hấp thu vitamim A.
Ngoài những cách nêu trên, để phòng ngừa thiếu Vitamin A cho trẻ còn cần bổ sung Vitamin A bằng đường uống. Việc bổ sung vitamin A bằng đường uống nên tuân theo quy định của chương trình phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ nhỏ hàng năm.
Hiện nay, mỗi năm Nhà nước đều tổ chức 2 đợt uống vitamin A định kỳ vào ngày 1- 2 tháng 6 và ngày 1- 2 tháng 12 cho các trẻ dưới 6 tháng tuổi không được bú mẹ và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A.
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi không bú sữa mẹ, cần bổ sung 50.000 đơn vị vitamin A.
Đối với trẻ từ 6-12 tháng tuổi, cần bổ sung 100.000 đơn vị vitamin A.
Đối với trẻ từ 12 - 36 tháng tuổi, cần bổ sung 200.000 đơn vị vitamin A.
Đối với trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A, liều lượng bổ sung vitamin A theo độ tuổi của trẻ.
Thiếu vitamin A hay thừa vitamin A đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Vì vậy, các bậc phụ huynh hết sức lưu ý, không được tự ý bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ khi khi chưa được sự tư vấn của bác sĩ.