Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vợ chồng có nên tiền ai nấy tiêu?!


“Rất ok” khi tiền ai người ấy tiêu
 
Lấy nhau gần 5 năm nhưng vợ chồng Hùng - Yến được ví như mặt trăng - mặt trời vì ít khi ăn cơm cùng nhau. Công việc của Hùng có đặc thù là tuần 4 buổi làm thêm tăng ca đêm. Để tiện sinh hoạt và vợ không phải chờ cơm tối, Hùng đăng ký ăn cơm 2 bữa tại cơ quan. Hai vợ chồng họ chỉ ăn chung nếu cuối tuần nào Yến được nghỉ và Hùng không phải làm thêm. Họ thống nhất mỗi người sẽ tự lo liệu cho bản thân. Tiền lương của Yến cũng vừa đủ lo trang trải cuộc sống hàng ngày cộng đối, đối ngoại. Còn thu nhập của Hùng thì ngoài chi phí ăn uống, xăng xe, trà lá, anh có trách nhiệm tiết kiệm để mua nhà. Thời gian đầu họ thấy “rất ok”. Gặp bạn bè, Hùng lúc nào cũng hồ hởi khoe rằng “Gia đình mình sống hiện đại. Mình rất thoải mái và hài lòng với thỏa thuận chi tiêu riêng của hai vợ chồng”. Hùng bảo, tiền trong túi mình không phải đóng góp vào “quỹ chung” nên rất thoải mái. Anh vẫn có ý thức tiết kiệm già nửa lương để dành tiền mua nhà, nhưng nếu tháng này có chi tiêu quá đà một chút thì tháng sau sẽ bù vào mà không mất công giải thích lý do cho vợ. Tiền ai nấy tiêu nên hai vợ chồng cũng ít xung đột, mâu thuẫn. Còn Yến thì hào hứng chia sẻ rằng, chị thấy ổn khi vợ chồng mình tiền ai nấy tiêu. Bản thân chủ động chi tiêu, không phải quán xuyến nên chị thấy vô cùng thoải mái. Gặp mấy cô bạn thân, chị đều khuyên rằng nên sòng phẳng và rạch ròi tiền ai nấy giữ như nhà mình cho đỡ mệt đầu. Yến còn bảo mình lấy chồng mà vẫn được tự do như thời độc thân vì việc ai nấy lo, tiền ai người ấy giữ, cơm ai người ấy tự ăn nữa nên hàng ngày không phải tất bật chợ búa, cơm nước và cơ bản là thích mua gì, tiêu gì cũng được bởi nếu chồng thắc mắc thì: “Ơ, tiền em, em tiêu mà!”.
 
Còn nhà Khang - Ngọc thì lại chọn giải pháp “tiền ai người ấy giữ” khi cả hai bên đều nặng gánh gia đình, có nhiều việc phải lo mà ngại chia sẻ với nhau. Chả là, tuy đã lấy chồng nhưng chị Ngọc vẫn phải chu cấp tiền phụ giúp bố mẹ nuôi 2 em ăn học. Tháng nào chị cũng gửi một phần lương về quê cho bố mẹ. Ngày mới cưới, anh Khang cũng không nói gì, nhưng sau thấy vợ quá chăm chút, lo lắng cho gia đình bên ngoại nên cảm thấy bực bội. Lúc đầu là những lời bóng gió, sau là thái độ mặt nặng mày nhẹ, đá thúng đụng nia. Gia đình họ lúc nào cũng căng thẳng, bất hòa. Anh Khang nói rằng chị Ngọc không rõ ràng, minh bạch trong chi tiêu, còn chị Ngọc lại cho rằng, tiền do mình vất vả kiếm ra nên cho ai là quyền của mình và chị không lấy tiền của chồng nuôi các em nên anh Khang không được có thái độ như vậy. Sau nhiều mâu thuẫn, họ đi đến quyết định tiền ai người ấy xài, tiền ăn học của các con và những chi phí hàng ngày thì chia đôi. Lúc đầu, chị Mai thấy khá ổn vì hàng tháng cho các em tiền chị cũng không áy náy hay phải giấu diếm hoặc phải tìm lý do giải thích với chồng như trước đây. Còn anh Khang thì cũng thấy tâm lý thoải mái vì như vậy thì vợ sẽ không lấy được tiền mình làm ra mang về cho nhà ngoại. Những bữa cơm gia đình đã bớt đi căng thẳng, vợ chồng không cò mặt nặng mày nhẹ với nhau.

Ảnh minh họa
 
Quá sòng phẳng, rạch ròi làm vợ chồng ngày càng xa cách 
 
Sau một thời gian tận hưởng cuộc sống tự do tiền ai người ấy tiêu, anh Hùng nhận ra hình như cuộc sống hôn nhân của vợ chồng mình đang có vấn đề. Yến từ ngày không phải chăm chút gia đình thì tự do bay nhảy, hết đi du lịch với đám bạn gái thân lại vô tư chạy theo những cuộc vui bất tận cùng đám thanh niên cơ quan. Sau những ngày làm đêm trở về, Hùng cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Số bữa cơm vợ chồng cùng nhau ăn đếm trên đầu ngón tay, không có những buổi vợ chồng cùng nhau xem phim hay chở nhau đi siêu thị mua đồ, cũng không có cảnh chồng đi làm về thấy vợ đang chăm chút cho bữa cơm chiều… Khoảng cách giữa hai vợ chồng ngày càng xa cách và Hùng thấy chán sự lựa chọn tiền ai người ấy tiêu, việc ai người ấy làm mà anh đã từng rất hào hứng, tự hào.
 
Giờ đây, chị Ngọc cũng đang nhận ra sự bất ổn trong cách sống tiền ai người đó giữ của gia đình mình. Đúng là lúc đầu chị thấy rất thoải mái, thấy “rất ok”, nhưng khi biến cố xảy ra, chị mới thấy, vợ chồng sống quá sòng phẳng, rạch ròi nhiều khi mất hết tình cảm, ngày càng xa cách nhau. Bố chị Ngọc gặp tai nạn giao thông và cần một số tiền lớn để phẫu thuật. Bố mẹ khó khăn nên chỉ trông vào cô con gái cả, vì vậy chị Ngọc phải đứng ra lo liệu mọi việc. Kẹt nỗi là chị mới vét sạch tiền cùng bạn hùn vốn đầu tư một dự án bất động sản nên chưa biết xoay sở thế nào. Chia sẻ điều này với chồng để mong cùng tìm cách giải quyết, chị ngỡ ngàng khi nhận được thái độ thản nhiên của người đầu ấp tay gối với mình. Anh bảo, anh có tiền tiết kiệm để đổi xe ô tô, nên anh sẽ cho chị vay. Khi đưa tiền cho vợ, anh Khang nhắc đi nhắc lại rằng, lúc nào có tiền thì nhớ trả lại đầy đủ và anh không tính tiền lãi. 

Ảnh minh họa
 
Trong cuộc sống hiện đại, rất nhiều cặp vợ chồng chọn lựa cách sống độc lập, tự chủ trong chi tiêu tài chính. Điều này mang lại cho họ sự thoải mái, cảm giác đỡ ràng buộc nhau. Tuy nhiên, dù không nói ra cụ thể các khoản chi tiêu nhưng mỗi người cũng cần tinh tế chứng tỏ với bạn đời rằng mình làm gì thì tất cả cũng vì cái chung là xây dựng, vun đắp cho gia đình. Khi áp dụng cách chi tiêu này, người trong cuộc rất cần thái độ bình tĩnh, luôn làm chủ được tình hình. Tiền ai người ấy tiêu chỉ phù hợp với từng gia đình, từng hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Đừng vì sự ích kỷ của bản thân mà biến việc chi tiêu riêng tư thành nguyên nhân dẫn tới đổ vỡ hạnh phúc gia đình. 

 Rất nhiều cặp vợ chồng chọn lựa cách sống độc lập, tự chủ trong chi tiêu tài chính. Điều này mang lại cho họ sự thoải mái, cảm giác đỡ ràng buộc nhau. Tuy nhiên, tiền ai người ấy tiêu chỉ phù hợp với từng gia đình, từng hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Đừng để việc chi tiêu riêng tư trở thành nguyên nhân dẫn tới đổ vỡ hạnh phúc gia đình. 
 

Hồng Trần/GĐTE