Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vợ chồng hiếm muộn và yếu tố mang đến thành công

 

Bác sĩ Phạm Văn Hưởng (bên trái) khám, tư vấn cho một bệnh nhân


Có trách nhiệm đi khám để tìm nguyên nhân của tình trạng khó có con

Theo Bác sĩ Phạm Văn Hưởng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: Một cặp vợ chồng được coi là hiếm muộn - vô sinh khi mong muốn có con, chung sống với nhau bình thường, không sử dụng một biện pháp ngừa thai nào mà sau một năm vẫn không có thai (riêng phụ nữ trên 35 tuổi, thời gian là 6 tháng) thì được cho là hiếm muộn.

Vị bác sĩ chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn giải thích: Hiếm muộn có thể do nguyên nhân từ người chồng, hoặc từ người vợ. Nói chung, khoảng 30% trường hợp nguyên nhân hiếm muộn là hoàn toàn do người chồng, 30% nguyên nhân do người vợ và phần còn lại là do nguyên nhân từ cả hai vợ chồng. Do đó, cả hai vợ chồng đều phải có trách nhiệm đi khám để tìm nguyên nhân của tình trạng khó có con. Chẳng hạn như có trường hợp vợ chồng kết hôn được 1,5 năm, nhưng chưa có em bé. Họ chỉ kế hoạch trong vòng 3-4 tháng sau khi cưới, thời gian còn lại là “thả” mà cũng không thành công. Người vợ đã đi khám và bác sĩ kết luận bình thường thì trường hợp này có thể yên tâm phần nào. Việc cần làm là người vợ nên động viên người chồng đi kiểm tra sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe sinh sản. Trường hợp của vợ chồng này chưa có con có thể do hai nguyên nhân: Một là nguyên nhân xuất phát từ phía người chồng, hai là do cả hai có “quan hệ” không đúng thời điểm thuận lợi để thụ thai.

Cũng có trường hợp cả hai vợ chồng đều bình thường về phương diện sinh sản, nhưng tinh trùng người chồng không thích hợp với chất nhầy ở cổ tử cung người vợ, làm cho tinh trùng bị chết và không đi vào đường sinh dục nữ được. Trường hợp này thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm sau giao hợp: bác sĩ sẽ lấy chất nhầy ở cổ tử cung người vợ vài giờ sau giao hợp để xem sự di động và khả năng sống của tinh trùng. Vì vậy, người chồng nên đi khám để biết nguyên nhân chính xác do đâu và có hướng khắc phục kịp thời.

Theo BS Phạm Văn Hưởng, các nguyên nhân hiếm muộn thường gặp ở nam giới có thể bao gồm: không có tinh trùng, tinh trùng quá ít, tinh trùng di động yếu, tinh trùng bị dị dạng. Các vấn đề này có thể được chẩn đoán khi làm xét nghiệm về tinh dịch (thường gọi là tinh dịch đồ). Ngoài ra, nam giới có thể hiếm muộn do bị bất lực, xuất tinh sớm hay xuất tinh ngược dòng (tinh dịch không được phóng ra ngoài, mà chảy ngược vào bàng quang, sau đó được đi tiểu ra ngoài). Sau khi đi khám và được bác sĩ tư vấn cách chữa trị hoặc điều chỉnh lối sống để sớm có em bé, các vợ chồng nên tuân thủ đúng như lời khuyên của bác sĩ. “Các cặp vợ chồng nếu kết hôn hơn một năm, hai vợ chồng đã cố gắng có con mà không có kết quả thì rất có thể bị hiếm muộn. Muốn biết chính xác, cả hai vợ chồng cần đi khám sớm, không nên chần chừ, nếu không, sẽ bỏ qua “giai đoạn vàng” trong điều trị hiếm muộn”, bác sĩ Hưởng đưa ra lời khuyên.


 

Kỹ thuật viên bệnh viện thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào bào tương noãn


Nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản giúp vợ chồng hiếm muộn có con

Bác sĩ Phạm Văn Hưởng cho biết: Hiện nay, có nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có thể giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có cơ hội có con. Trong đó, thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh ống nghiệm (IVF) là hai phương pháp phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người nhầm lẫn giữa IVF và IUI. Thực tế, hai kỹ thuật này hoàn toàn khác nhau và chi phí cũng có sự chênh lệch. Cụ thể IUI là tên viết tắt của phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung để giảm khoảng cách di chuyển của tinh trùng đến gặp trứng. Với phương pháp này, quá trình thụ tinh tạo thành phôi thai diễn ra hoàn toàn trong cơ thể của nữ giới. Trong khi đó, IVF là phương pháp bơm tinh trùng được tiêm trực tiếp vào bào tương noãn để tạo thành phôi và sau đó phôi sẽ được đưa vào môi trường nuôi cấy. Quá trình này phải thực hiện qua nhiều bước gồm kích thích trứng, chọc hút trứng, thụ tinh, chuyển phôi…

“Thông thường, IUI được chỉ định trong những trường hợp sau: Nam giới hiếm muộn: thiếu tinh trùng, xuất tinh ngược dòng, tinh trùng giảm di chuyển…; Vô sinh liên quan đến lạc nội mạc tử cung; Phụ nữ bị vô sinh do các vấn đề về rụng trứng, bao gồm cả việc không rụng trứng hoặc giảm số lượng trứng; Phụ nữ dị ứng với tinh dịch (rất hiếm gặp)…; Vô sinh chưa rõ nguyên nhân. Còn IVF được chỉ định cho các trường hợp như: Tắc ống dẫn trứng; Lạc nội mạc tử cung; Thiểu năng tinh trùng nặng (tinh trùng yếu, dị dạng, không có tinh trùng trong tinh dịch). Đặc biệt đối với người hiếm muộn lớn tuổi hoặc đã áp dụng phương pháp IUI nhưng không thành công; Thất bại với phương pháp IUI nhiều lần; Các trường hợp người hiếm muộn xin trứng, xin tinh trùng… Tuỳ trường hợp mà bệnh nhân được chỉ định hướng điều trị thích hợp. Phương pháp IUI đơn giản hơn, thời gian thực hiện nhanh hơn, đồng thời mức chi phí cũng thấp hơn so với phương pháp IVF”, Bác sĩ Phạm Văn Hưởng phân tích.

Vị bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Vô sinh - Hiếm muộn nhấn mạnh rằng: Trong điều trị vô sinh hiếm muộn, các bác sĩ thường tư vấn và chỉ định cho bệnh nhân những phương pháp điều trị từ đơn giản đến phức tạp, từ chi phí thấp tới chi phí cao phù hợp với nguyên nhân vô sinh, tình trạng sức khỏe cụ thể của các cặp vợ chồng. Theo đó, phương pháp IUI thường được ưu tiên áp dụng đầu tiên, nếu sau 2-3 lần không thành công thì có thể làm IVF. Tỷ lệ có thai trong IUI là khoảng 30%. Riêng với IVF, tỷ lệ thành công đạt khoảng 70% chuyển phôi trữ (đông lạnh) và khoảng 50% chuyển phôi tươi. Nếu lần chuyển phôi đầu tiên không thành công, bác sĩ có thể dùng những phôi trữ cho các lần chuyển kế tiếp mà không phải thực hiện các bước làm lại từ đầu, từ đó giúp bệnh nhân giảm được chi phí.


Bác sĩ Phạm Văn Hưởng hiện là Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.


Tốt nghiệp Bác sĩ Đa khoa tại Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Phạm Văn Hưởng có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Vô sinh - Hiếm muộn, Hỗ trợ sinh sản.

Bác sĩ Phạm Văn Hưởng là thành viên của nhiều hiệp hội uy tín về Hỗ trợ sinh sản như: Hiệp hội Sinh sản và Phôi học Châu Âu, Hội Y học Sinh sản Châu Á - Thái Bình Dương, Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoàng Nam/GĐ&TE