Từ những ngày tháng đau thương
Nhắc đến chuyện chiến trường và chuyện tình của mình, ông Thoán bùi ngùi tâm sự: Đó là đầu những năm 70 của thế kỷ trước, tôi tham gia chiến đấu ở mặt trận khu 5 (các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi…), đơn vị E240 vừa phục vụ hậu cần, vừa trực tiếp chiến đấu. Tôi còn nhớ rất rõ sự ác liệt trên đường 19 vào những năm đó. Đường 19 chạy qua các huyện An Nhơn, Bình Khê, vượt đèo Thượng Giang quanh co hiểm trở, băng qua thị trấn An Khê, đèo Măng Giang rồi đổ vào thị trấn Plei-ku (Gia Lai), nơi đặt sở chỉ huy Vùng 2 chiến thuật ngụy. Trên tuyến đường này đế quốc Mỹ đã điên cuồng rải bom, mìn liên tục, một ngày có đến hàng chục lần dội bom xuống đây. Độc ác hơn chúng còn rải chất độc da cam/diôxin nhằm huỷ diệt cây cối, các khu rừng trên tuyến đường, các làng mạc và huỷ diệt những người tham gia chiến đấu.
Ảnh đám cưới trong chiến trường của ông Thoán và bà chí
Trong mưa bom, lửa đạn những đoàn xe chúng tôi vẫn ngày đêm chở lương thực ra tiền tuyến. Sau mỗi trận càn của địch là rất nhiều đồng đội tôi phải hy sinh và nhiều đoạn đường bị phá huỷ. Các chiến sĩ lại phải thức trắng đêm lấp hố, san đường, cho xe tiếp tục ra tiền tuyến. Chiến tranh càng ác liệt, sự hy sinh càng lớn, những người lính như chúng tôi vẫn chấp nhận tất cả dù là cái chết. Vào một đêm tháng 5/1972, khi đang cùng đoàn xe chở lương thực trên đường 19, thì tiếng máy bay của địch gầm rít trên bầu trời, chỉ huy ra lệnh lái xe đi cất giấu, tôi cùng nhiều đồng đội đi phía sau yểm trợ cho xe. Bỗng có tiếng hô của chỉ huy “tất cả nằm xuống”, tiếp theo là tiếng nổ lớn, lúc tôi tỉnh lại thì đất đá toé tung, bên cạnh tôi có hai đồng chí đã hy sinh, tôi vừa bị sốt rét, vừa bị thương nên được chuyển về khu trạm xá điều trị. Trong trận càn đó đã có hơn 20 đồng đội tôi hy sinh, rất nhiều người bị thương. Trên đường 19 ngày ấy không biết bao nhiêu trận càn như thế. Có những đêm cả đại đội đi tìm xác đồng đội.
Đến chuyện tình cảm động
Sau trận càn đó tôi bị thương nặng, bệnh sốt rét tái phát và được chuyển về vùng hậu cứ để điều trị vết thương. Lúc đó, bà Chí là y tá ở một trạm ý tế ở Bình Định. Năm 1972, bộ đội bị thương chuyển về đây ngày càng nhiều, thuốc men điều trị thì thiếu thốn. Trò chuyện với chúng tôi bà Chí nhớ lại: “Ngày đó nhiều ca mổ không có thuốc gây mê, những người bị thương vô cùng đau đớn, nhiều người đã hy sinh tại trạm cứu thương. Chúng tôi chỉ biết động viên an ủi nhau bằng tình yêu người lính. Đó cũng là cách an ui duy nhất, để thương binh phần nào quên đi sự đau đớn. Việc chăm sóc thương binh càng trở nên khó khăn hơn khi tôi là một người phụ nữ nhỏ bé không thể đỡ những người thương binh cao to hơn lúc ngất xỉu, lúc thần kinh không ổn định... Nhưng nghĩ về đồng đội, đồng chí, tôi luôn cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ. Có những thương binh sốt co giật, tinh thần bấn loạn đã đuổi đánh tôi như đuổi đánh kẻ thù, miệng lẩm bẩn câu nói “Tao giết mày, tao giết mày”. Tôi chỉ biết giấu những giọt nước mắt đau thương khi các anh ngủ say. Nhiều lúc, đang điều trị cho các thương binh, thì máy bay của địch tập kích nép bom, chúng tôi lại phải chuyển các anh xuống các hầm an toàn để điều trị”. Nói đến đây mắt bà Chí đỏ hoe, rơi lệ…
Ông Thoán và bà Chí hiện nay
Ông Thoán tiếp câu chuyện: "Tại trạm y tế tôi bị thương rất nặng, hết hôn mê lại lên cơn sốt, tôi được bà Chí chăm sóc rất chu đáo, từ miếng cháo, viên thuốc ân cần, có lúc còn kể chuyện cười để tôi và đồng đội quên đau đớn. Trong suốt hơn một tháng điều trị, tình cảm của tôi và bà Chí ngày một lớn dần, tình yêu đã đến với chúng tôi lúc nào không hay biết. Cũng tại trạm y tế đó, tôi đã ngõ lời yêu đầu tiên đối với Chí, người đã chữa lành vết thương cho tôi. Sau khi lành bệnh tôi phải tiếp tục vào chiến trường chiến đấu, cũng là lúc tôi và Chí không được ở gần nhau. Mặc dù vậy, tình yêu giữa tôi và Chí cứ lớn dần, liên lạc ngày càng nhiều hơn và cuối tháng 12/1972, chúng tôi tổ chức đám cưới tại chiến trường khu 5. Mừng hạnh phúc của chúng tôi, động đội đã lấy sắn mài làm bánh, đơn vị có sắm thêm vài gói kẹo, mấy gói thuốc lá và mấy ấm trà. Đơn sơ nhưng chúng tôi thật sự hạnh phúc. Tôi ao ước, mong đến ngày hoà bình, được trở về quê hương, vun đắp tổ ấm, có những đứa con. Sau đám cưới tôi càng vững tin hơn trở lại chiến trường chiến đấu, vợ tôi tiếp tục nhiệm vụ cứu thương, du gian khổ, hy sinh nhưng tôi vẫn tin là sẽ có ngày trở về đoàn tụ".
Xót xa vì những người con dị tật
Năn 1975, đất nước thống nhất, ông Thoán và bà Chí xin rời khỏi quân ngũ về quê ( xã Cam Phước Đông, Khánh Hòa) xây dựng tổ ấm. Hai vợ chồng thương binh, ngày đầu tiên về địa phương, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, ông Thoán nhớ lại: “Hồi đó địa phương còn sản xuất theo sự phân công của hơp tác xã, năng xuất nông nghiệp rất thấp, nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tôi và vợ tôi ngày thì làm ở hợp tác, tối về tranh thủ làm thêm, chăn nuôi con lợn, con gà, cải thiện cho gia đình. Bao nhiêu vất vả thế nhưng tôi luôn cảm thấy vui. Niêm vui lớn nhất đó là người con trai đầu lòng ra đời, bao hy vọng, đặt hết niềm tin vào đó. Thế nhưng cuộc sống như trêu đùa với số phận của gia đình, đứa con mà tôi đặt hết niềm tin vào đó bị bệnh bại não, cả gia đình phải chạy vạy khắp nơi chưa trị cho con. Tuy nhiên bệnh tình không hề suy giảm, thất vọng và chán nản, nhưng tôi vẫn hy vọng có những đứa con lành lặn. Thế những đứa con thứ 2, thứ 3, thứ 4 lần lượt ra đời. Nhưng nghiệt ngã thay bốn người con đều bị bị suy tim, dị tật bẩm sinh, câm điếc... Hai vợ chồng thương binh, bốn người con tật nguyền đau đớn và xót xa"…
Ông Thoán nghẹn ngào nói tiếp: “Chính những ngày tháng ở chiến trường khu 5, tôi bị nhiểm chất độc màu da cam/điôxin mà không hề hay biết. Hồi đó những rừng cây cứ bị chết lụi dần, những nương sắn chết trụi lá bộ đội cứ tự nhiên nhổ sắn về ăn mà không suy nghĩ điều gì. Bộ đội ăn trong rừng, ngủ trong rừng, nước suối là nguồn nước duy nhất nuôi sống chúng tôi, ai ngờ chính nguồn nước đó đã bị nhiễm độc, không biết bao nhiêu đồng đội tôi phải chịu hậu quả như tôi”. Nhìn bà Chí những nếp nhăn hằn lên khuôn mặt, nỗi đau trong lòng người lính già chưa bao giờ nguôi. Ngày nào bà cũng bón cho 4 người con dị tật ăn. Đứa lớn đã hơn 35 tuổi nhỏ cũng đã 26 tuổi. Hơn 35 năm nay, mặc dù có bốn người con, nhưng ông Thoán và bà Chí chưa một lần được nghe con gọi tiếng bố, mẹ, bởi bốn người con từ khi sinh ra cho tới nay chỉ biết im lặng và thỉnh thoảng lại cười ngây dại.
Âm thầm vượt qua nỗi đau
Mấy chục năm nay, vợ chồng ông Thoán và bốn người con tật nguyền trải qua biết bao nhiêu biến cố. Có những lúc ông Thoán và bà Chí tưởng như không thể vượt qua được. Thế nhưng được sự động viên của gia đình, những người thân, bản lĩnh của người lính Cụ Hồ không có khó khăn nào là không thể vượt qua. Giấu những giọt nước mắt, bà Chí nói: “Nhiều năm nay, vợ chồng tôi ngoài công việc làm cha, mẹ lại vừa phải đóng vai là người thầy thuốc, người bạn chia sẻ buồn vui, lắm lúc phải làm người “ngơớ ngẩn” để được vui đùa với mấy đứa con…” Cả gia đình chỉ sống nhờ vào những đồng lương thương binh rất khó khăn.
Bà Chí và 2 người con đã 35 và 30 tuổi đều bị câm điếc
Để có thêm thu nhập cho gia đình hai vợ chồng phải thay phiên nhau một người ở nhà, một người đi làm. Đã nhiêu năm liền bà Chí làm công việc tạp vụ tại UBND xã Cam Phước Đông, để có thêm thu nhập chăm lo cho bốn người con. Thời gian cứ thế trôi, gia đình ông Thoán và bà Chí đã quen với cuộc sống hiện tại, bốn người con cũng lớn dân lên, không phải chăm sóc vất vả như hồi còn bé.
Hàng năm, đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, ông Thoán và bà Chí lại được chính quyền địa phương cho đi nghĩ dưỡng, tham quan lại chiến trường xưa, đi thăm lăng Bác…Trong những lần đi như vậy họ được gặp lại một số đồng đội năm xưa, mừng vui khôn xiết. Chiến tranh đã kết thúc 40 năm, nghĩa tình đồng đội, những ngày tháng chiến đấu như vẫn còn mãi trong tâm trí những người lính.
Ông Thoán tâm sự: “Ngoài trách nhiệm chăm sóc gia đình, chăm sóc các con, thì trách nhiệm tìm lại những đồng đội năm xưa chiến đấu trên tuyến đường 19 khói lửa là điều tôi trăn trở trong lòng. Đồng đội tôi có người đã nằm lại chiến trường hơn 40 năm rồi mà vẫn chưa tìm được hài cốt. Thật xót xa”.