Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Đời sống

Vợ chồng trẻ vay nợ lãi mua chục lượng vàng 'đúc két'

Năm ngoái tôi đi vay lãi 70 triệu đồng mua 2 lượng vàng về cất. Năm nay, vợ chồng tôi lại vay thêm 170 triệu đồng nữa để mua cho đủ 5 lượng vàng miếng 'đúc két' phòng thân.

 

Vay lãi mua vàng cất két

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) kể, vợ chồng chị cưới nhau đã được 4 năm nay, cả hai người đều có công việc ổn định với tổng thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 25-30 triệu đồng. Song, hầu như tháng nào hai vợ chồng cũng tiêu sạch số tiền kiếm được, không tiết kiệm được đồng xu nào.

"Nhà cửa thì ổn định, xe máy đẹp đi lại cũng đã có, không bị tâm lý mắc nợ, không phải tiết kiệm để trả nợ nên hai vợ chồng cứ làm được đến đâu tiêu hết đến đó", chị Tâm nói. Từ lúc cưới nhau đến giờ, hai vợ chồng chị đã vạch khá nhiều kế hoạch để mong tiết kiệm được một khoản nào đó phòng trường hợp khi cần ốm đau bệnh tật hay dự phòng tiền ăn học hành cho con cái sau này.

Đầu tiên, hai vợ chồng thống nhất mỗi tháng trích ra 10 triêu đồng để vào một cái hộp trong tủ rồi khoá lại. Nhưng cách này không ăn thua vì mỗi khi cần mua sắm cái gì là lại mở tủ lấy ra mua. Kết quả, cuối năm hộp đựng tiền trong tủ vẫn trống trơn, không thì cũng chỉ có vài triệu đồng tiền lẻ.

 

Nhiều người chấp nhận đi vay lãi để mua vàng rồi trả nợ sau.

 

Thất bại, vợ chồng chị lại tiếp tục lên kế hoạch nuôi heo đất giống như kinh nghiệm của các đôi vợ chồng trẻ khác vẫn áp dụng để tiếp kiệm. 

Theo đó, mỗi tháng vợ chồng chị lên kế hoạch bỏ vào heo đất 10-15 triệu đồng, số tiền còn lại để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình. Tuy nhiên, kết quả cũng không khả quan gì hơn. Tháng thứ nhất tạm ổn, đến tháng thứ hai vợ chồng chị lại viện đủ các lý do để trì hoãn theo kiểu "tháng này cần sắm cái này, thôi hoãn không nuôi heo đất nữa" hay "tháng này có nhiều đám cưới, cần phải về quê nhiều, thôi để cuối tháng thừa bao nhiêu cho heo đất ăn sau "…

"Thử hai cách trên đều thất bại, đầu năm 2015, hai vợ chồng tôi bàn bạc và quyết định muốn tiết kiệm giờ chỉ còn cách đi vay tiền, kể cả phải trả lãi suất cũng vay để về lấy tiền đó đi mua vàng, rồi sau đó hai vợ chồng mới tiết kiệm trả nợ dần", chị Tâm chia sẻ.

Tiền thưởng tết còn dư, gần giữa năm 2015, hai vợ chồng chị vay của một người bà con một khoản tiền với mức lãi suất tương đương với lãi suất ngân hàng để đi mua hai lượng vàng miếng. Còn tiền nợ thì thoả thuận mỗi tháng trả một ít.

"Năm đó, cả hai vợ chồng tôi đã trả được hết khoản nợ cũng khoản lãi đã vay và để dành được 2 lượng vàng", chị Tâm khoe.

Chị Tâm cho biết thêm, vợ chồng chị hồi đầu tháng 2 âm lịch này lại vừa đi vay thêm khoản tiền 170 triệu đồng của một người họ hàng ở quê với mức lãi suất phải trả cho họ là 8%/năm để đi đánh cho đủ 5 lượng vàng về đúc két một thể.

'Ép xác' qua ngày dồn tiền trả nợ

Trường hợp chấp nhận vay lãi lấy tiền mua vàng về đúc két của vợ chồng chị Tâm nghe có vẻ lạ và khó hiểu, nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất. Vợ chồng chị Đinh Thị Ánh Nguyệt ở Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đã áp dụng được gần chục năm nay.

Chị Nguyệt cho hay, lúc mới cưới nhau, vợ chồng chị có nợ một ít tiền, sau đó tiết kiệm trả được ngay. Đến khi trả xong nợ rồi, vợ chồng chị không bỏ nổi mỗi tháng ra lấy một 1 triệu đồng tiết kiệm bởi cứ được tháng nào lại "tiêu phéng mất tháng đó".

Sau đó, hai vợ chồng tự ngồi với nhau và nói "phải có nợ, tự tạo ra áp lực phải tiết kiệm tiền để trả nợ thì mới để dành được tiền". Nghĩ thế, vợ chồng chị cứ đều đặn, năm nào cũng vay lãi 100 triệu đồng đánh lấy 3 cây vàng cất tủ. 

"Vợ chồng tôi cứ tính đơn giản thế này, tổng thu nhập của cả hai vợ chồng được khoảng 20 triệu đồng/tháng, một năm thu nhập được khoảng 240 triệu. Đầu năm vợ chồng tôi đi vay 100 triệu để mua vàng, lãi suất 8%/năm. Tính ra, mỗi tháng chúng tôi phải bỏ ra 10 triệu đồng để trả nợ. Số tiền lương 10 triệu còn lại để chi tiêu sinh hoạt cho gia đình là vừa khéo"- chị Nguyệt nói.

Theo chị Nguyệt, vay nợ mua vàng cất tủ rồi thì vợ chồng chị bị áp lực trả nợ cực lớn nên tháng nào cũng phải để ra được 10 triệu trả nợ dần. Thậm chí, có tháng gia đình có nhiều công chuyện đột xuất như: con ốm, chuyện hiếu hỉ phải tiêu đến nhiều hơn, cả hai vợ chồng chị đều chấp nhập bớt tiền ăn chứ tuyệt đối không dám tiêu lấn sang khoản tiền dành để trả nợ.

"Có tháng tiền đóng học, tiều hiếu hỉ nhiều quá, vợ chồng tôi cháy túi, phải cả tuần ăn cơm với muối vừng nhưng vẫn quyết để dành 10 triệu đồng ra để trả nợ cho bằng được. Bởi, cả hai vợ chồng đều nghĩ, nếu không như thế, nợ không trả được thì lãi phải chịu càng nhiều hơn", chị tâm sự.

Thừa nhận, chị Tâm cũng cho hay, nhiều người biết chuyện vợ chồng chị đi vay lãi để mua vàng về đúc két thì bảo vợ chồng chị hâm, tự nhiên mua nợ, rồi mua gánh lo vào người. Nhưng, vợ chồng chị đều xác định, chỉ có vướng vào nợ nần mới có thể có quyết tâm tiết kiệm, rồi bớt ăn bớt tiêu đi trả nợ.

"Chúng tôi cứ nghĩ như vậy, kể cả mỗi năm có tốn thêm chục triệu đồng tiền phải trả lãi nữa thì đổi lại, mỗi năm vợ chồng tôi tiết kiệm được thêm vài lượng vàng. Còn nếu sợ áp lực, tính thiệt hơn trong chuyện vay lãi hay không vay lãi thì vợ chồng tôi sẽ chẳng để được đồng nào chứ đừng nói đến chuyện tiết kiệm về sau", chị Tâm nói.