Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Với anh Ba Dũng: Có những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Thu Huệ lúc đầu hơi rụt rè nhưng sau mấy ngụm vang cùng anh em suôn sẻ… Thu Huệ đang sẻ chia cái cảm giác dân văn nghệ sĩ thế nào khi lần đầu được chứng kiến hình ảnh, động thái Thủ tướng dõng dạc trên diễn đàn Quốc hội công khai thẳng đuột trước bàn dân thiên hạ việc Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa Trường Sa.

 

Thủ tướng và các văn nghệ sĩ.
Rồi phát ngôn ấn tượng gì ở Manila, cái gì viển vông nhỉ… Huệ còn đang ngập ngừng thì Nguyễn Như Phong đứng phắt dậy vanh vách dẫn ra câu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi họp báo chung tại Philippines chiều 21/5/2014.
“Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Bị Như Phong lườm nhưng Thu Huệ vẫn cái mạch tò mò… Khẩu khí cứ như là phỏng vấn.
Trước khi phát biểu thì tâm trạng của Thủ tướng như thế nào? Anh Ba đã nghĩ gì?
Chủ nhà cười, trả lời ngay với chất giọng bình thản: Cứ gì một Thủ tướng mới phát biểu được như vậy? Và có gì mà phải nghĩ ngợi? Nó nằm lòng lâu nay rồi. Nó ở trong máu mình, trong máu của người Việt mình rồi…
Nguyễn Thị Thu Huệ không cười theo mọi người mà vẻ mặt nghiêm, kèm cái thở dài - Nhưng thưa anh Ba tại sao nhiều người, người Việt mình lại không trả lời ngay tắp lự trong những diễn đàn và vị thế cũng như tình thế tương tự cái câu mà ai cũng nằm lòng đó?
Cả mâm thoắt ắng lặng với câu hỏi của Thu Huệ và như là cái cách của một câu trả lời?
Cái tò mò của ông Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn  Quang Thiều như là kiểu tò mò có hệ thống và biên độ rộng của người thạo ngoại ngữ? Chuyện của Thiều như nhắc lại vị thế đối ngoại của Việt Nam từ chuyến xuất ngoại đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  năm 2006…
Tò mò mới hơn về hoàn cảnh xuất hiện hai bức ảnh. Bốn nhà lãnh đạo ASEAN “chụp selfie” tự sướng của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Và đạo diễn phim Kong, Skull Island Jordan Vogt-Roberts chụp chung với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Bái Đính Ninh Bình. Sau khi bức ảnh được đăng khoảng hai giờ, đã có gần 16.000 lượt “thích” (like) và gần 3.000 lượt “chia sẻ” (share), hơn 200 lượt “bình luận” trên Facebook. Còn bức kia  ngay lập tức có gần 500 người like và nhiều lời bình luận thú vị… Anh Ba ạ, thế hệ trẻ rất quan tâm đến hình ảnh và hoạt động của giới lãnh đạo. Vấn đề là xuất hiện và hoạt động  như thế nào Nguyễn Quang Thiều nói thêm vậy.
Thiều bộc bạch thêm, độc đáo nhất là Thủ tướng Lý Hiển Long đã gõ đủ và đúng mẫu tự tiếng Việt họ tên của Thủ tướng Việt Nam.
Nhà văn Chu Lai trầm ngâm, vậy là bao nhiêu năm anh Ba trên đất Bắc nhỉ? Chủ nhà cũng trầm ngâm, mới đó đã 22 năm…
Nhớ cái tối theo Hữu Ước lên cái ngách đường Nguyễn Quyền  phỏng vấn thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Tấn Dũng  một việc gì đấy, Hữu Ước, chắc chỗ thân mật đã mở cái nắp nồi cơm điện của chủ nhà. Mùi cá khô xộc lên. Cá hấp trên. Nồi cơm điện Thứ trưởng Nguyễn Tấn Dũng cắm cho ba bữa trong ngày.
Rồi chuyến thăm của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mùa hè năm 2000 đến Pháp có Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Rồi chức Thống đốc NHNN một thời gian ngắn.
Nhớ lại chuyện hồi đi Pháp năm  kia, ngài Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Pháp (IFRI) Thierry De Montbrial đã nhắc nhớ về Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Gia đình tôi có thể nói đã gắn bó và có duyên với đất nước của ngài. Được biết có thời gian ngài từng là Thống đốc NHNN Việt Nam. Đã  từng ngồi ở cái nhà mà ông nội của tôi là chủ sự nhà băng Đông Dương đã từng làm việc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhã nhặn vui vẻ nhân đây tôi trân trọng mời ngài sang thăm Việt Nam và chính tôi sẽ dẫn ngài đến cái ngôi nhà mà ông nội ngài đã từng ngồi…
Hình như là Chu Lai, Thu Huệ hay Như Phong, mà cả Nguyễn Quang Thiều… và cả người viết bài này nữa, trong không khí không cứng nhắc của một sự vụ phỏng vấn hay một cuộc gặp mang hơi hướng hành chính, như đã đủ một độ thân mật đã buông ra những câu hỏi khó thốt cũng như chả dễ đáp.
Thủ tướng và tác giả Hậu thiên đường Nguyễn Thị Thu Huệ.
Đại loại (hình như của Như Phong thì phải?) xin lỗi Thủ tướng, à quên anh Ba, trên các trang mạng xã hội trong thời gian trước và sau Đại hội XII từng phổ biến nội dung lá thư 9 trang của Thủ tướng về những vấn đề mà Ban kiểm tra Trung ương đã kết luận?  Cả việc anh Ba thẳng thắn rằng tôi xin không tái cử. Việc đó thực hư thế nào?
 Rồi nữa…
 Cảm tưởng của Thủ tướng khi 35 đoàn đại biểu trong ĐH chính thức tiếp tục giới thiệu Thủ tướng ra ứng cử mặc dù trước đó ở những diễn đàn cần thiết, chính thức Thủ tướng đã thẳng thắn tuyên bố xin rút không ứng cử?
 Nữa.
 Các hãng thông tấn nước ngoài trước thời điểm Hội nghị Sunnylands đã loan tin rộng rãi là Thủ tướng không tham dự Hội nghị sau đó lại đưa tin Thủ tướng tham dự? Thực hư việc này thế nào anh Ba?
(về câu hỏi này, tôi thấy chủ nhà cười nói luôn rằng có gì đâu. Mình nghĩ đã xin từ nhiệm đã và đang làm công việc bàn giao. Phó Thủ tướng, ủy viên Bộ Chính trị Phạm Bình Minh gánh vác công việc ở Sunnyland cũng thích hợp. Vả lại vết thương cũ tái phát cái chân đau nên đi không tiện. Cũng nói thêm, đến đoạn này chủ nhà xin lỗi mọi người nhất là Thu Huệ, vén một bên áo để lộ một bên sườn chằng chịt những vết thương và đường khâu không được khéo thời trận mạc. Bỏ áo xuống chủ nhà lắc đầu với Chu Lai - thương tật hạng 2/4 đó nghe ông Phố nhà binh ạ. Với lại chủ nhà Tổng thống Obama mời nhiệt tình quá đi - Trong chuyện thấy Thủ tướng không nhắc lại thông tin mà truyền thông nước ngoài từng đưa là trực tiếp nhờ Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam mời đích danh Thủ tướng Việt Nam tới dự Hội nghị Sunnylands. Thủ tướng cười - sang đó công việc lu bu ấp tới, mấy vết thương ở chân tự dưng không trở chứng nữa)
 Và nữa.
 Trong cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng cũng đề nghị Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ, hành động thiết thực hơn để chấm dứt mọi hành động thay đổi nguyên trạng biển Đông... Xin Thủ tướng lý giải thêm những động thái được coi là quyết liệt của mình?
(Câu hỏi này hình như của Chu Lai hay Trần Đăng Khoa không nhớ nữa. Nhưng cái cười nhẹ của chủ nhà đại ý chủ quyền quốc gia lãnh thổ  trong đó có Biển Đông luôn là cấp thiết là luôn mới không bao giờ cũ cũng như không được lơ là. Đã biết rồi cũng nhắc lại. Đã nói rồi nếu có cơ hội nên nói thêm. Dẫu riêng rẽ song phương hay đa phương hoặc tranh thủ song phương trong đa phương, trong công tác đối ngoại, chủ quyền quốc gia luôn luôn là nguyên tắc tối thượng. Bây giờ thế và sau này vẫn thế)  
Vẫn chưa hết.
Xin Thủ tướng chia sẻ thông tin thêm về cuộc gặp riêng với Tổng thống Hoa kỳ Obama trong thời gian hơn 40 phút? Nhà trắng nhiều lần thông báo TT Obama sẽ đi thăm Việt Nam  nhưng mãi đến thời điểm TT gặp Tổng thống, dư luận mới biết đích xác thời gian thăm Việt Nam chính thức là vào tháng 5 năm 2016?
vv…
Để ý hình như không có câu hỏi nào mà chủ nhà lảng sang chuyện khác việc khác hoặc thoái thác… Nhưng có những câu, có cách trả lời mà người trong bữa cơm mới hiểu, mới chợt nhận ra ngay hoặc sau đó?
Có thể đọc được kết quả từ những cái cười đồng tình, sẻ chia cũng như cả thông cảm của chủ lẫn khách?
Chớ nghĩ và tưởng cánh nhà văn vốn ngó lơ thời sự? Bằng cớ là cả đám tự dưng nhắc nhớ đến sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại La Hay, Hà Lan năm 2014, chỉ trong một ngày tại diễn đàn đa phương ấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tranh thủ các cuộc gặp với 20 nguyên thủ như Obama, Tập Cận Bình, Hollander, Shinzo Abe…
Chu Lai vung tay chắc nịch.  Lại trỗi lên chất giọng  rổn rảng, cố hữu.
Phải là một nhà báo theo cái nghĩa mà ở các nước hiện đại người ta vẫn hiểu. Nhờ làm báo anh biết rất nhiều và có nhiều điều về chính mình không đợi khi về già mới chia sẻ với bạn đọc. Và rộng ra, chia sẻ với thời đại. Mà phải ngay bây giờ.
Giọng Thiều nối theo như rên.
Cũng khó nói lắm bởi ở đây bặt vắng đi lao động của một nhà văn…
Nhà văn Hữu Ước (tôi biết đang sắp đặt những dòng cuối của Kiếp người - tập 2) ngoảnh sang Chu Lai cười cái gọi là viết về các VIP mà các ông đang lấn bấn, tôi đã khởi thảo từ lâu…
 Mấy giờ đồng hồ vèo qua.
Có lẽ là lần cuối, cả bọn khi đã lên xe đều ngoái lại nhà 55 Phan Đình Phùng một lần nữa. Bởi hồi nãy trong bữa cơm, anh Ba  có nói khi làm xong thủ tục bàn giao và được Quốc hội phê chuẩn thì trong tháng 4, cả gia đình sẽ trở về Nam. Ngôi nhà này nghe anh Ba nói, cũng sắp có chủ mới.