Tăng tốc và bứt phá
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích tự nhiên đứng thứ 5 cả nước, dân số hơn 4 triệu người, đứng thứ 3 cả nước; là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ,Thanh Hóa hội đủ 3 vùng địa lý, các loại hình giao thông, cùng với lợi thế “biển bạc, rừng vàng”, nên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết, tỉnh Thanh Hóa đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển, trong đó có Nghị quyết số 58 ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết số 37 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Đây được xem là “chìa khóa” quan trọng, tạo tiền đề để Thanh Hóa bứt phá trong tương lai.
Điểm nổi bật trong 9 tháng năm 2024 là tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đạt 42.700 tỷ đồng, vượt 20% dự toán và tăng 44,7% so với cùng kỳ, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ; nằm trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước, ông Tuấn thông tin thêm.
Được biết, thu nội địa đạt gần 26.200 tỷ đồng, vượt 19% dự toán và tăng 45,7% so với cùng kỳ. Sản xuất kinh doanh đang ngày càng tăng tỷ trọng trong tổng thu ngân sách, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã phục hồi.
Các chính sách của Nhà nước về gia hạn thuế, giảm thuế, phí và lệ phí… đã có tác động tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp.
Với tốc độ tăng trưởng trên 20%, ngành công nghiệp như “chìa khóa” để mở ra cánh cửa của sự thịnh vượng bởi công nghiệp không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cao, mà còn tác động đến chất lượng tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh.
Đối với nông nghiệp, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều thế mạnh nên việc xác định “lấy nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng” để thúc đẩy kinh tế phát triển là phù hợp và đúng hướng.
Nhờ đó mà sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực, năng suất lúa đạt cao nhất từ trước đến nay, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi chính đều tăng so với cùng kỳ.
Đặc biệt, với nguồn tài nguyên tự nhiên vô cùng đa dạng, phong phú, cùng nguồn tài nguyên văn hóa giàu giá trị và đậm đà bản sắc, Thanh Hóa đã sớm xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để dành nguồn lực đầu tư phát triển, vị thế của du lịch Thanh Hóa ngày càng được nâng cao trên thang bậc phát triển toàn ngành du lịch Việt Nam.
Đưa vào hoạt động nhiều dự án mới, quy mô lớn
Những kết quả đạt được trong 9 tháng qua đã tạo nền tảng vững chắc để tỉnh Thanh Hoá phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2024; tạo đà cho những năm tiếp theo để đưa Thanh Hóa thực sự trở thành cực tăng trưởng mới trong tứ giác kinh tế phía Bắc của Tổ quốc.
Để hoàn thành tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2024 trong bối cảnh được dự báo là khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn ở những tháng cuối năm, Thanh Hoá tiếp tục tập trung rà soát, đánh giá các nhiệm vụ còn lại.
Đối với các mục tiêu, chỉ tiêu đạt kết quả tích cực, cần tiếp tục phấn đấu đạt mức cao nhất, tạo tiền đề cho kế hoạch năm 2025. Đối với các mục tiêu, chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch, dự báo có nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện có hiệu quả các giải pháp khả thi, có tính đột phá.
Tỉnh cũng đã khởi công, khánh thành, đưa vào hoạt động nhiều dự án mới, quy mô lớn, trong đó có nhiều dự án giao thông quan trọng; diện mạo đô thị, hạ tầng nông thôn tỉnh Thanh Hóa được thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại; một số cơ chế chính sách đặc thù đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,46% đứng thứ 2 cả nước (sau Bắc Giang); thành lập mới 1.364 doanh nghiệp, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đứng đầu cả nước. Đây là việc làm hết sức khó, hiện nay có nhiều địa phương, đơn vị ở Trung ương có tỷ lệ giải ngân chậm, nhưng Thanh Hóa đã đứng đầu cả nước về giải ngân đầu tư công.
Ông Đỗ Minh Tuấn cũng nêu rõ, trong những tháng cuối năm 2024 diễn ra nhiều sự kiện lớn cả về chính trị và văn hóa, do đó, đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, tiếp tục giữ vững tinh thần đoàn kết, nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã đề ra.
Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà bứt phá để Thanh Hóa thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, một trong những mục tiêu đó là phấn đấu năm 2025 trở thành một cực tăng trưởng mới.
Chính vì vậy, năm 2024 Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã quyết nghị các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 3.540 USD trở lên; sản lượng lương thực giữ ở mức 1,5 triệu tấn; tổng giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ USD trở lên; thu ngân sách Nhà nước đạt 35.567 tỷ đồng trở lên;…
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Đỗ Minh Tuấn khẳng định: “Đây là những chỉ tiêu có tính phấn đấu rất cao, đòi hỏi các cấp, các ngành của Thanh Hóa cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Từ đó tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc”.