Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, đến 6 tháng đầu năm 2021 tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm trên địa bàn tỉnh là 200,693 tỷ đồng, tổng dư nợ đến ngày 30/9/2021 đạt 430,431 tỷ đồng với 9.689 hộ còn dư nợ với tổng số 13.101 món vay. Cụ thể, nguồn cho vay từ Qũy Quốc gia về việc làm 63,377 tỷ đồng với 3.058 dự án vay vốn và đã có 3.076 lao động được tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm, nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội 35,569 tỷ đồng với 2.453 dự án và có 2.470 lao động được tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm, nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội là 101,747 tỷ đồng với 1.151 dự án và có 1162 lao động được tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm.
Số lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm theo Kế hoạch đề ra là 18.000 lượt người. Tính đến thời điểm hiện tại số lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm là 18.171 lượt người, vượt kế hoạch. Số đào tạo nghề theo Kế hoạch đề ra là 4.000 lượt người. Tính đến thời điểm hiện tại đào tạo nghề cho 4.900 người, vượt kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 47,5.
Từ đầu năm đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua ngân hàng Chính sách xã hội cho vay giải quyết việc làm đã xét duyệt cho vay 2.828 dự án với số tiền cho vay 91.972.000.000 đồng, chủ yếu cho vay là dự án nhóm/ hộ gia đình. Hỗ trợ tạo việc làm thêm cho khoảng 2.828 lượt lao động.
Tổ chức tư vấn về chính sách pháp luật lao động, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và tuyên truyền hỗ trợ định hướng nghề nghiệp cho 8.913 lượt người, Giới thiệu việc làm thành công cho 82 lượt lao động.
Tiếp đó vay vốn Quỹ quốc gia việc làm và các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác cũng đã cho 33 người lao động ở tỉnh Đắk Nông vay ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với tổng số tiền 1,813 tỷ đồng. Các lao động được vay vốn chủ yếu là lao động thuộc hộ cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng và lao động nữ, thị trường làm việc gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác của tỉnh Đắk Nông đã góp phần tích cực hỗ trợ tạo việc làm cho nhân dân, nhất là người lao động tại khu vực nông thôn. Đồng thời, tạo cơ hội cho nhóm lao động yếu thế có cơ hội vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân.
Các địa phương trong tỉnh, mặc dù nguồn vốn không nhiều, nhưng hoạt động cho vay từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã góp phần tạo điều kiện cho nhiều đối tượng lao động yếu thế như: lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần vào việc tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình.
Bên cạnh đó, nguồn vốn cho vay đi làm việc ở nước ngoài từ ngân sách tỉnh ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hàng trăm lao động thuộc hộ gia đình hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động là thanh niên mới xuất ngũ trở về địa phương, lao động thuộc gia đình gặp khó khăn đột xuất về tài chính được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Đặc biệt, chính từ sự quan tâm tới công tác giải ngân và cho vay vốn kịp thời, nhiều mô hình hiệu quả từ nguồn vốn giải quyết việc làm đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, như: mô hình cho vay tạo việc làm của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Đắk Mil, các thành viên Hợp tác xã Công Bằng, mô hình tái canh cà phê xen cây ăn trái khác ở huyện Đắk Mil, mô hình trồng tiêu ở huyện Đắk Song, mắc ca ở huyện Tuy Đức, mô hình trồng rau, hoa ở phường Nghĩa Phú... Qua đó không chỉ giúp người dân tạo mới và duy trì việc làm, mà còn giúp tăng thêm thu nhập và nâng cao đời sống cho lao động khi được tiếp cận nguồn vốn vay…
Đến nay, nhận thức, năng lực, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người lao động về công tác giải quyết việc làm, tự tạo việc làm ở tỉnh Đắk Nông đã được nâng lên, các chính sách hỗ trợ tạo việc làm được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện hiệu quả.
Tổng số doanh nghiệp vay vốn: 10 doanh nghiệp với dư nợ 813 triệu đồng, 265 lượt lao động được vay vốn. Trong đó cho vay trả lương ngừng việc 9 doanh nghiệp với số tiền 792 triệu đồng/ 258 lao động, cho vay trả lương phục hồi sản xuất 1 doanh nghiệp với số tiền 24 triệu đồng/7 lao động.(Nguồn thông tin từ ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Đắk Nông)