Ngày 27/4, Công an quận Tân Bình thông báo với chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (38 tuổi; ngụ quận Tân Bình, TP. HCM) là sẽ niêm phong 5 triệu yên mà chị nhặt được thêm 1-2 tháng để phục vụ công tác điều tra vì có người nhận là chủ nhân của số tiền nói trên. Theo Công an quận Tân Bình, người này là bà Phạm Thị Ngọt (42 tuổi; ngụ huyện Hóc Môn, TP. HCM).
“Nhận bừa, tôi sẽ đấu tranh đến cùng”
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chị Hồng cho biết vào giữa tháng 4/2015, có một phụ nữ đến phòng trọ của chị để thương lượng về số tiền 5 triệu yên. Người này nói giọng Bắc, xưng mình là chủ nhân chiếc loa thùng có chứa 5 triệu yên mà chị mua được trước đó. Người này cho biết có chồng đang làm giáo viên bên Nhật Bản, cách đây hơn 2 năm, ông này gửi về một bộ loa nhưng sau đó bị người anh họ mang đi bán. “Bà ta yêu cầu gặp người anh họ để đối chứng nhưng tôi không đồng ý vì lâu nay có rất nhiều người lạ tìm đến tự nhận là chủ nhân của 5 triệu yên. Tôi bảo lên gặp công an nhưng bà ta không chịu” - chị Hồng kể. Chị Hồng cho biết nếu người phụ nữ này nhận bừa thì chị sẽ đấu tranh đến cùng. “Tại sao gần một năm qua bà ta không nộp đơn, cho đến khi cận ngày lại đòi tiền?” - chị Hồng thắc mắc.
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng: “Nhận bừa, tôi sẽ đấu tranh đến cùng”Ảnh: Lê Phong.
Bà Phạm Thị Ngọt: “Tin chắc 80% là của chồng tôi” Ảnh: Thu Hồng
“Tin chắc 80% là của chồng tôi”
Công an quân Tân Bình cho biết bà Ngọt đã đưa ra một số chứng cứ để chứng minh chiếc loa chứa 5 triệu yên là của chồng mình. Tuy nhiên, công an đã yêu cầu chồng bà Ngọt sang Việt Nam để làm rõ những nội dung: Vì sao phải giấu tiền và miêu tả chính xác chiếc loa...
Để làm rõ vấn đề, phóng viên đã tiếp xúc với bà Ngọt tại nhà của bà. Nơi đây được bà Ngọt thuê để mở công ty chuyên gia công, mua bán quần áo. Bà Ngọt cho biết sau khi nhiều lần đối chiếu thông tin, chắc rằng 80% số tiền trên của chồng bà là ông Afolayan Caleb (SN 1967, quốc tịch Nam Phi). “Tôi muốn nói sự thật khách quan. Nếu đó là số tiền chân chính được chồng tôi dành dụm bằng mồ hôi, công sức lao động nhiều năm thì nó phải về với chồng tôi. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ gửi chị Hồng một số vốn kha khá để làm ăn” - bà Ngọt nói.
Khi chúng tôi hỏi vì sao sự việc đã diễn ra gần 1 năm mà bây giờ mới đến công an trình báo thì bà Ngọt cho biết từ năm 2003 - 2005, ông Afolayan Caleb đến Nhật dạy tiếng Anh. Năm 2009, ông sang Việt Nam dạy tiếng Anh tại Trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ, đồng thời dạy thêm ở một số trường khác và 2 người quen nhau. Tháng 5/2012, bà Ngọt chuyển từ quận Gò Vấp về huyện Hóc Môn ở và hai người chính thức sống cùng nhau. “Khoảng tháng 12/2012, chồng tôi bị bệnh, cần phải mổ và tốn khá nhiều tiền nên kêu tôi tìm giúp số tiền 5 triệu yên bỏ trong cuốn sách hay cái hộp gì đó nhưng không nhớ rõ vì đã qua 3 lần dọn nhà từ quận 1 đến quận 12 và cuối cùng là huyện Hóc Môn. Tuy nhiên, tìm mãi mà không thấy nên chồng tôi rất buồn. Cuối năm 2013, chồng tôi về nước để chăm mẹ già bệnh nặng. Ngày 1/9/2013, tôi dọn vệ sinh nhà cửa để nghỉ lễ 2-9, trong lúc dùng giẻ lau bụi cho chiếc loa (phía ngoài bằng kim loại, trong có lớp gỗ) thì miếng giẻ vướng vào cạnh thùng. Tôi giật mạnh ra thì thùng bị hở 2-3 cm, nhìn qua khe thấy bên trong có một tờ giấy chữ nhật, ở giữa là hình giống như đồng tiền bị cháy sém vài góc, nghĩ là cái tem gì đó nên tôi đóng lại” - bà Ngọt kể. Sau đó, bà Ngọt đem chiếc loa này ra ngoài hiên nhà và để luôn ở đó. Khoảng tháng 10 hay 11/2013, anh họ bà Ngọt là ông Phạm Đức Hoàng (ngụ quận Bình Tân) đến chơi nên bà Ngọt cho chiếc loa mang về sửa để xài. “Thực tế, chồng tôi có đến 3 cái loa, một bị thất lạc khi dọn nhà, hai là được tôi cho anh Hoàng và cái thứ ba đang nằm ở nhà - có hình dáng khác với 2 cái kia” - bà Ngọt nói.
Đầu năm 2014, bà Ngọt đọc thông tin chị Hồng nhặt được 5 triệu yên nhưng không quan tâm lắm. Mãi đến cuối tháng 3 năm nay, bà tình cờ thấy một tờ tiền yên giống như tờ giấy trong chiếc loa nên vội vàng gọi ông Hoàng hỏi và được biết đã bán ve chai. Sau khi xác minh thông tin từ chồng, ngày 3/4, bà Ngọt đến Công an quận Tân Bình trình báo. “Đến giờ này, tin chắc 80% khả năng số tiền đó là của chồng tôi. Tùy tình hình sức khỏe bà cụ, chồng tôi sẽ xem xét có về Việt Nam hay không. Trước mắt, chồng tôi sẽ viết thư tay nêu rõ ràng, cụ thể vụ việc cũng như chi tiết cách để tiền và số tiền ra sao cho cơ quan chức năng ” - bà Ngọt khẳng định.
Ai sở hữu sẽ nhận cả tiền lãi Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM, cho biết chưa có quy định xử phạt hoặc khởi kiện nếu một người nào đó nhận bừa tài sản người khác là của mình. “Bởi tiền vẫn còn niêm phong trong ngân hàng chứ không mất mát gì. Ngoài ra, nếu ai sở hữu 5 triệu yên thì sẽ nhận luôn phần lãi suất ngân hàng” - luật sư Hậu nói. Theo luật sư Hậu, sau 1-2 tháng mà công an xác định 5 triệu yên không phải của bà Ngọt, nếu có người khác tiếp tục làm đơn tự nhận là của mình thì sẽ không được giải quyết bởi đã sau ngày 28/4, tức vượt quá thời hạn 1 năm từ khi cơ quan chức năng đăng thông báo tìm người chủ thật sự. |