Theo Vietnamnet đưa tin, tính đến thời điểm hiện tại theo thống kê sơ bộ, lượng cá bị chết lên tới 1.500 tấn, chủ yếu là cá diêu hồng, cá lăng, cá chép và cá mè. Trong đó có 37 hộ nuôi thuộc xã La Ngà thiệt hại 700 tấn và 43 hộ nuôi ở xã Phú Ngọc thiệt hại 800 tấn.
Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai đã làm việc với UBND huyện Định Quán và 2 xã La Ngà, Phú Ngọc để làm rõ nguyên nhân cá nuôi lồng bè của 80 hộ dân nuôi trên sông La Ngà bị chết hàng loạt.
Hơn 1.500 tấn cá nuôi trên sông La Ngà bị chết trong một đêm. Ảnh: Thanh Niên
Trong khi đó, trả lời trên báo Thanh Niên chiều 22.5, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai, cho biết sau khi tiếp nhận thông tin hơn 1.500 tấn cá nuôi lồng bè trên sông Là Ngà chết trắng, ngày 21.5 đoàn cán bộ của Sở đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, khảo sát.
Đoàn đã lấy mẫu cá gửi Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 để phân tích bệnh. Đồng thời lấy mẫu nước gửi Trung tâm dịch vụ phân tích môi trường TP.HCM phân tích một số chỉ tiêu môi trường để tìm chính xác nguyên nhân gây cá chết hàng loạt.
Theo kết quả kiểm tra mẫu nhanh của Chi cục thủy sản (thuộc Sở NN-PTNT Đồng Nai) phối hợp Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan cho thấy nồng độ NH4, NO2 vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Cụ thể, hàm lượng NH4 vượt mức giới hạn cho phép của cá nuôi 5,6 - 11 lần, hàm lượng NO2 vượt giới hạn cho phép 10 - 20 lần.
Nguyên nhân ban đầu khiến cá chết là do biến động về môi trường. Ảnh Vietnamnet
Kết quả kiểm tra tại chỗ ở các điểm cho thấy hàm lượng oxy hòa tan (DO) đều thấp, dao động trong khoảng 2,6 - 3,2 mg/lít (hàm lượng DO tối ưu khuyến cáo cho đối tượng nuôi từ 4 mg/lít trở lên).
Trước khi cá chết hàng loạt, trên địa bàn H.Định Quán và khu vực La Ngà xảy ra mưa lớn kéo dài hơn 7 giờ. Lượng mưa lớn mang theo lượng nước chảy về cuốn theo các chất ô nhiễm làm tăng tính độc của một số khí như H2S, CH4, NO2, NH3... dẫn đến cá bị sốc, chết ngộp, ông Vinh cho biết thêm.