Cả đồng làng nhấp nhô nón trắng, nhà nhà, người người ra đồng, nhanh tay cấy để cho đúng mùa vụ. Mùa cấy thường không kéo dài, chỉ vài ba tuần là xong. Mùa cấy nhàn hơn mùa gặt vì tểnh tang ngoài đồng, chứ không phải lo việc nhà và phơi phóng như gặt.
Nếu gặt là liềm cắt tận gốc, hay cắt lửng gốc rạ đem về, thì cấy khó hơn hẳn. Kkhông phải ai cũng biết cầm mạ, cấy xuống, dẫu chân ruộng đã làm nhuyễn, đủ nước. Cấy non tay sẽ rất lâu, không chắc cây mạ đứng được trong bùn, sống mà bén rễ, mọc lên. Không khéo tay rút lên thì cây mạ cũng nổi theo, rễ phơi trên mặt ruộng bùn. Chỗ chân rút lên thành hố nước, mạ nào đứng nổi, thường là rút chân lên xong phải lấy tay san ngay, để lùi, cấy hàng sau.
Cấy không chỉ là xé mạ từ bó mạ ra, cắm xuống thôi, mà phải đúng cách, để không quá nhiều cây trong khóm lúa, để lúa bén chân, có chỗ mà đẻ nhánh. Tham quá, khóm nhiều, lúa chen nhau, không đẻ nhánh được, trổ đòng, đơm bông cũng khó, đương nhiên năng suất bị ảnh hưởng. Mà nếu cấy bôi ra, thì lúa có đẻ hết nhánh vẫn thưa thếch. Khi lúa bén chân, ruộng nhà người ta đã xanh om, ruộng nhà mình nhìn cũng thấy chán. Nên dù, cấy úp tay hay ngửa tay cũng phải đều thẳng tắp, đủ khoảng cách cho lúa đẻ nhánh, cũng lại không bị lơ thơ. Canh nông nói chung, cấy nói riêng, bao giờ cũng cần người đảm là thế.
Xưa, nhiều nhà, nhiều người còn dùng dây cấy, dây cấy cũng được tính trong số dụng cụ nhà nông. Dây cấy là một loại dây nhựa mềm, rỗng ruột, to bằng đầu đũa ăn cơm loại vót tre. Dây cấy được nhà nông mua theo cuộn, cuộn vào 2 cọc, mùa cấy đến là đem đi đồng. Người chưa thạo là cần lắm vật dụng này.
Hai cọc cắm hai bờ, dây cấy chăng nối 2 bờ ấy, sát mặt nước. Người đi cấy, cấy theo dây ấy, sẽ chỉ phải tính so le với khóm hàng trước, chứ không phải lo cấy cho thẳng hàng này. Nếu cấy một mình thì cứ từ đầu bờ mà cấy sang, nếu cấy đôi thì cứ giữa ruộng cấy theo dây sang trái và phải. Từng bó mạ đã tung khắp ruộng, cứ hết là lấy bó gần nhất cấy cho đến khi còn khoảng bằng chầu tát thì cũng là những bó mạ cuối cùng. Chân ruộng và lượng mạ bao giờ cũng được mẹ, được chị tính sát như thế. Nhưng cũng có khi thừa một nắm mạ, nhà lại không có trâu bò, mẹ thương bó mạ ấy nên để cả bó xuống góc bờ, cây còi, nhưng vẫn được sống hết một đời cây lúa, như đám cùng lứa. Hoặc nhà nào có thiếu thì cũng nhìn đó, đem về ruộng nhà mình cấy nốt.
Lại nói tiếp chuyện dây cấy. Người cấy không dây, cứ gánh mạ hết quang đem ra ruộng, tung khắp xong là cấy. Đám con gái thạo việc thì nhổ mạ (quê tôi nói giổ mạ) hay cấy đều vừa nhanh, vừa đẹp. Cái chân lội xuống bùn, cái tay hua nước cắm mạ xuống, đều không chê được điềm gì. Đám này thường đắt chồng, vì nhìn cung cách ngoài đồng thế, nhiều nhà kén dâu.
Còn đám không tự tin thường dùng dây cấy. Nói thế cũng không có nghĩa đám này vụng - Con gái nhà làm nông ít người vụng. Chỉ là đám mới lớn, chưa tự tin dám cấy không dây mà thôi.
Dây cấy chăng ra, cũng cấy ngửa, cấy sấp theo hàng, có kém ai. Nhìn từng khóm mạ cắm xuống đều tay có hàng, có lối, căn chuẩn nên khi nắng chói cũng đã ra mương khỏa xà cạp trở về với đôi quang gánh sạch tinh, và cuộn dây cấy không còn lấm bùn.
Trong làng có nhà kĩ tính, dù có cấy thạo họ cũng vẫn dùng dây cấy, vì tính khi lúa đến ngày cào cỏ, thì chân ruộng cấy dây, cào cỏ thuận lợi hơn. Chỉ việc lồng cào vào mà đi theo lối, cỏ giả mắc vào đấy cả, lúa chẳng sao. Mà có đôi khóm lúa đứt chút rễ cũng là khích thích cho rễ phát triển hơn. Làm bằng cào cỏ đỡ phải vơ tay, lại cũng nhanh hơn nhiều, muốn sục bùn cho rễ lúa cũng đỡ vất hơn khi vơ cỏ bằng tay. Đấy cũng là lý do mà dây cấy có mặt trong quang gánh mạ của nhà nông mùa cấy.
Xưa, dây cấy có mặt trong quầy của cửa hàng Hợp tác xã mua bán, hay cửa hàng nông cụ của huyện, người có điều kiện mua một cuộn dùng nhiều năm. Nhà không có điều kiện, thì dùng sợi dây đay, có người còn se dây chuối để dùng. Dùng những dây này thường bị ngấm nước bùn, nên mùa cấy, nhiều nhà vẫn mong có một cuộn dây cấy dùng cho sướng.
Hết mùa cấy, cuộn dây cấy đã sạch bùn, nhưng đôi khi còn bám váng đồng được treo lên đầu hồi nhà, đầu hồi bếp, hay góc chuồng lợn để mùa sau mới lại dùng đến. Con chị nó đi, con dì nó lớn, có khi tuổi chị tập cấy còn dùng dây, em bằng tuổi chị đã thạo việc, cấy chẳng dùng dây nữa, nên cuộn dây bỏ bẵng đi không dùng nữa, lại cho người trong họ, hay hàng xóm.
Xưa, đám trẻ con chẳng có trò gì chơi, cũng không có đồ chơi, đám con gái mơ ước có cái vòng thì bứt quả xâu vòng chín đỏ xâu mà làm vòng. Có đứa tăm được cuộn dây cấy nhà mình hay nhà họ hàng thì cắt trộm một đoạn. Về đo tay, cắt nhọn một đầu, cắm vào đầu kia, thế là thành cái vòng đeo tay. Đẹp nhất là vớ được đoạn dây cấy còn mới. Những cái vòng làm trẻ con nhà quê sung sướng nhất trên đời thường là thế. Cũng bởi thế nên bạc tóc rồi vẫn nhớ dây cấy, và nhớ cũng là vì cũng lâu lắm rồi chả ai còn bán mua, hay nhắc đến dây cấy trên đời nữa.
Lúa gặt đã vãn đồng, châu chấu đã đổ về mấy chân ruộng gặt sau. Đồng đất lại cày bừa chờ vụ mới. Mẹ và chị lại buộc cái dây vào áo để giổ mạ hay cấy, gió không tốc áo lên được. Thường người đi cấy vẫn thế, người không cấy trồng hay hỏi vì sao lại buộc bụng như vậy, thì là nguyên do đó. Nhiều người trong làng vẫn mang cái rế sắt đi đồng. Để mạ giổ lên tay, khỏa nước, đập vào rế sắt cho rễ tơi và sạch. Rễ mạ có tơi và sạch thì mới đúng cách. Khi cấy mới dễ xé ra từng khóm để cấy và cũng không lo bị đứt rễ mạ, mà rễ có tơi, thì khi cấy xuống, lúa mới bén chân nhanh…
Tôi đã đi nhiều nơi, thấy những cánh đồng đẹp như bức vẽ của người trong làng góp màu mà tạo nên. Nhưng tôi tìm mãi chẳng thấy ai cấy cấy dây như xưa. Canh nông giờ đã khác, người ta đi ủng, đi găng cấy lúa. Những tay thợ cấy chuyên nghiệp mẹ thuê làm phần ruộng hẹp còn lại, hộ mẹ cha đã già, hộ chị em đi học xa nhà, mùa không về được, họ cấy không cần dây, vài ba buổi là xong đám ruộng khoán. Họ hẹn mẹ, vụ gặt sẽ lại đến làm thuê. Họ là người làng xã khác, khu công nghiệp mở trên đồng đất của làng, mất ruộng, nên họ ít việc, chị em rủ nhau lập nhóm làm nghề này kiếm thêm tiền chợ. Cũng là người làng nọ, làng kia, cái khó ló cái khôn mà thành.
Tôi nhớ một cái vòng làm từ dây cấy đã bạc màu thành màu xanh nhạt, tôi đã từng đeo vào tay hồi tấm bé, để rồi chắc chắn chưa bao giờ quên cái vòng, cũng như cuộn dây cấy trong quang gánh của người làng mùa cấy những năm xưa.
Nhớ nên viết để hỏi, ai người còn nhớ “dây cấy’’ không?
Nguyễn Minh Hoa/GĐTE