Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vụ chia thừa kế tại số 118, số 119 Nguyễn Công Trứ (Hà Nội): Phán quyết thiếu căn cứ?

Liên quan đến vụ “tranh chấp chia thừa kế” tại hai căn nhà số 118 và 119 phố Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), mới đây các đương sự đồng loạt khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm vì cho rằng có dấu hiệu vi phạm các quy định về tố tụng, vi phạm nguyên tắc xét xử liên tục, cố ý làm sai lệch nội dung bản chất sự việc dẫn đến phán quyết thiếu công tâm.

 

Vi phạm nguyên tắc xét xử?

Cụ Nguyễn Ngọc Lâm (mất năm 1993) và cụ Bùi Thị Thìn (mất năm 2008) sinh được 8 người con, gồm: Nguyễn Thị Thúy Bích, Nguyễn Ngọc Bình (đã chết), Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Thúy Nguyệt, Nguyễn Thị Thúy Minh, Nguyễn Ngọc Hồ, Nguyễn Thị Thúy Hiền, Nguyễn Thị Thúy Hạnh. Khi còn sống, hai cụ gom góp mua được hai căn nhà, gồm 118 và 119 phố Nguyễn Công Trứ.

Sau khi chết, cả cụ Lâm và cụ Thìn đều không để lại di chúc đối với hai căn nhà. Để giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế, ngày 19/1/2010, TAND TP Hà Nội thụ lý vụ án với các đồng nguyên đơn gồm, bà: Nguyệt, Hiền, Hạnh và con gái ông Bình là Nguyễn Minh Châu. Đồng thời xác định bị đơn là bà Nguyễn Thị Thúy Minh và ông Nguyễn Ngọc Hồ.

Tại phiên tòa ngày 5/5/2015, các nguyên đơn rút đơn khởi kiện. Lúc này tòa đã cho bà Minh nộp tạm ứng án phí. Ngày 6/5/2015, TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên xét xử vụ “tranh chấp chia thừa kế” nói trên nhưng có sự thay đổi tư cách của những người tham gia tố tụng: Bà Nguyễn Thị Thúy Minh được xác định là nguyên đơn. Còn lại các bà Nguyệt, Nga, ông Hồ được xác định là bị đơn. Các bà Hiền, Hạnh và con ông Bình (gồm Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Ngọc Toàn, Nguyễn Ngọc Thái) được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo phản ánh của anh Nguyễn Ngọc Toàn (cháu đích tôn của cụ Lâm), cả hai cấp tòa xét xử là TAND TP Hà Nội (cụ thể tại bản án sơ thẩm số 23/2015/DSST ngày 11/5/2015) và TAND cấp cao tại Hà Nội (cụ thể tại bản án phúc thẩm số 44/2016/DS-PT ngày 6/5/2016) đều có các dấu hiệu vi phạm các quy định về tố tụng, vi phạm nguyên tắc xét xử liên tục, cố ý làm sai lệch nội dung bản chất sự việc dẫn đến phán quyết thiếu công bằng không khách quan.

Quyết định kháng nghị của Viện KSND TP Hà Nội đã phân tích những sai phạm trong quá trình xét xử của tòa án.

HĐXX cho rằng: Từ năm 2008, các đồng thừa kế đã nhất trí giao cho ông Hồ sử dụng nhà số 118, bà Minh sở hữu sử dụng nhà số 119 dù rằng “có các đương sự không thừa nhận...”; “Bà Minh đang quản lý và sử dụng thì tiếp tục quản lý và sử dụng...”. Thực tế thì anh Toàn cho biết: “Khi cụ Thìn còn sống, cụ là người đứng ra cho thuê cả hai căn nhà. Lúc đó, những người thuê nhà trực tiếp sinh sống và quản lý nhà. Năm 2008, sau khi cụ Thìn chết, ông Hồ đứng ra cho thuê nhà số 118, tôi và anh Nguyễn Minh Hưng (con bà Minh) đứng ra cho thuê nhà số 119. Số tiền thu được từ việc cho thuê nhà thuộc về người đứng ra cho thuê”. Đến năm 2011 hai căn nhà trên bị khóa cửa, bỏ trống, không có người ở. Để bảo vệ tài sản thừa kế chưa chia, ngày 1/3/2013, gia đình cô bác đã họp lại, lập biên bản họp gia đình, giao cho anh Toàn là cháu đích tôn của cụ Lâm và cụ Thìn được ở trong nhà 119 để trông nom cả hai nhà và thờ cúng các cụ.

Cũng theo phản ánh của anh Toàn, ông Hồ, bà Minh đã “sử dụng hợp đồng giả” để nhập khẩu vào nhà số 118, số 119, điều này đã được cơ quan công an xác minh, kết luận. “Ông Hồ và bà Minh chưa từng là người sở hữu, sử dụng hai căn nhà 118, 119. Song HĐXX cho rằng bà Minh và ông Hồ đang ở và sử dụng hai căn trên là không đúng.

Biến tài sản chung thành của cá nhân?

HĐXX cả hai cấp tòa đều xác định, cụ Lâm chết không để lại di chúc. Xác định cho đến khi có đơn khởi kiện thì hiệu lực khởi kiện để yêu cầu chia tài sản của cụ Lâm đã hết thời hiệu. Đồng thời xác định: “Cụ Thìn đã tự định đoạt khối tài sản chung của vợ chồng, nên chỉ có giá trị trong phạm vi quyền sở hữu 1/2 khối tài sản chung, vì vậy với nhà số 118, và 119 cụ Thìn không còn tài sản”.

Căn cứ vào quan điểm đó, phiên tòa sơ thẩm đã xác định: “Nhà đất tại số 118  thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Ngọc Hồ”; “nhà đất tại số 119 xác định không phải là di sản của cụ Bùi Thị Thìn, mà thuộc quyền sở hữu của bà Nguyễn Thị Thúy Minh”. Cùng với đó, TAND cấp cao quyết định giao cho ông Hồ, bà Minh “tiếp tục quản lý, sử dụng” lần lượt hai căn nhà nói trên.

Nhận định của bản án gặp phải phản ứng gay gắt của các đương sự, bởi theo họ thực tế bà Minh, ông Hồ không có căn cứ pháp lý xác định quyền sở hữu đối với hai căn nhà nói trên. Hai căn nhà đó thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cụ Lâm, cụ Thìn, là tài sản chung chưa chia thuộc mọi thành viên trong gia đình chứ không riêng của một cá nhân nào.

Ngày 26/5/2015, Viện KSND TP Hà Nội đã có quyết định kháng nghị số 25/QĐKNPT-VKSP5, trong đó nêu rõ: “Việc cụ Thìn tự ý tặng cho kỷ phần của cụ Lâm cho ông Hồ, bà Minh mà không được sự đồng ý của tất cả những người thừa kế của cụ Lâm là không hợp pháp. Phần di sản của cụ Thìn tại hai khối tài sản tại số 118, số 119 vẫn còn, nhưng TAND xác định không còn là không đúng, ảnh hưởng tới quyền lợi của các đương sự”.