Bà Mơ, người giám hộ cho Tuấn, đồng thời là mẹ của Hạnh đang khao khát cuộc gặp mặt hòa giải.
Năm 1996 Vũ Anh Tuấn kết hôn với Đỗ Thị Thu. Họ sống chung với bố mẹ được 3 năm rồi xin ra ở riêng. Khi hòa thuận Vợ chồng làm ăn cũng khá, có của ăn, của để. Nhằm mở rộng làm ăn kinh doanh, Thu đại diện cho Tuấn đã mang Giấy CNQSD đất đến ngân hàng vay vốn với số tiền trên 500.000.000 đồng. Rồi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, cuối năm 2014 đôi vợ chồng thống nhất đưa nhau ra tòa.
Người giám hộ cho Tuấn là mẹ anh, bà Nguyễn Thị Mơ. Đến ngày xét xử, bà Mơ bị ốm nên ủy quyền cho con là Vũ Thị Hạnh, em gái Tuấn tham gia tố tụng. Theo bà Mơ, vì muốn giữ lại nhà đất để Tuấn có nơi trú ngụ, bà đã cùng các con góp tiền đưa cho Hạnh để chị ra ngân hàng lấy Giấy CNQSD đất về.
Với bản án sơ thẩm số 09/2014/HND-ST ngày 29/5/2014, HĐXX đã phán quyết: “Tuấn được sở hữu số tài sản trị giá 497.670.000 đồng, gồm 225m2 đất, 1 nhà cấp 4, 1 quán”. Đồng thời công nhận anh Tuấn hỗ trợ chị Thu 150.000.000 đồng. Xét thấy Hạnh là người đứng ra thanh toán tiền cho ngân hàng thay vợ chồng Tuấn nên HĐXX tuyên: “Tuấn phải trả cho chị Hạnh 565.617.000 đồng”, dù rằng số tiền đó không phải của cá nhân Hạnh.
Bản án thể hiện, Hạnh tham gia tố tụng với hai tư cách, một là đại diện bảo vệ quyền lợi cho bị đơn Tuấn, một là bảo vệ quyền lợi cho chính mình với tư cách người có quyền lợi liên quan đến số tài sản của Tuấn. Bản án cũng xác định Hạnh có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án sau khi bản án có hiệu lực.
Theo bà Mơ, sau phiên tòa Hạnh đã lợi dụng lòng tin của mọi người, mưu đồ chiếm đoạt luôn số tiền gia đình đưa và tài sản của Tuấn. Một mặt Hạnh đã đưa Tuấn xuống TP Việt Trì để ở và làm việc. Mặt khác Hạnh âm thầm bán đất và nhà của Tuấn. Người mua đã đặt tiền và dọn đến ở. Khi bà Mơ phát hiện và không cho bán khiến gia đình đó phải đòi lại tiền, đồng thời rời khỏi nhà. Mâu thuẫn giữa mẹ con bà Mơ bắt đầu từ đấy.
Cũng theo bà Mơ, sau khi lấy Giấy CNQSD đất về, Hạnh đã không trao lại cho Tuấn. Khi mẹ con xảy ra mâu thuẫn, Hạnh đã bất chấp tình nghĩa gia đình, thẳng tay thực hiện cái quyền của mình trong phán quyết của tòa án là yêu cầu thi hành án, bất chấp anh trai bị thiểu năng và mẹ già không nơi ăn chốn ở.
Căn nhà cấp 4, nơi trú ngụ duy nhất của Vũ Anh Tuấn.
Ở cái tuổi gần đất xa trời bà Mơ không muốn nhìn cảnh con gái “đẩy” con trai ra đường. Bà khao khát một cuộc hòa giải: “Chúng đều là con cả. Mọi chuyện còn có thể bàn bạc, cớ sao chẳng nói năng gì, đi dựa vào cái bản án rồi làm như vậy. Chỉ mong cái Hạnh về nhà gặp tôi một lần. Mẹ con, anh em nói với nhau một câu xem nguyện vọng ra sao, mong muốn như thế nào”. Bà Mơ mong chính quyền đứng ra làm trọng tài cho buổi gặp gỡ nói chuyện. Song thật đáng tiếc, mẹ con bà Mơ vẫn chưa được ngồi với nhau vì Hạnh không gặp. Ngược lại, khi Hạnh làm đơn yêu cầu thi hành án, ngày 21/10/2014 Chi cục THADS huyện Đoan Hùng ra quyết định thi hành án. Và sau nữa là Cục THADS tỉnh Phú Thọ thụ lý, nhanh chóng làm các thủ tục thi hành án, kiểm kê tài sản, bán đấu giá toàn bộ tài sản của Tuấn.
Về việc làm “nhanh gọn, bất ngờ” của cơ quan thi hành án, ông Nguyễn Văn Hoa, Cục phó Cục THADS tỉnh Phú Thọ khẳng định: Chúng tôi thi hành án theo đơn yêu cầu của bà Hạnh. Mọi thủ tục, quy trình đều tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, việc bán đấu giá tài sản cũng đã xong. Tuy nhiên, việc cưỡng chế bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá vẫn không thể thực hiện được do sự cố thủ của Vũ Anh Tuấn.
Bởi theo một cán bộ công an được giao nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho đoàn cưỡng chế, với tính cách của Tuấn, nếu mọi người cố tình cưỡng chế rất có thể hậu quả xấu sẽ xảy ra. Được biết, vào những lần cưỡng chế trước, Tuấn đều chuẩn bị xăng, bình ga và tuyên bố sẵn sàng chết để bảo vệ tài sản của mình. Công an tỉnh Phú Thọ cũng nhận định như vậy và đã ra văn bản tạm hoãn cưỡng chế, tránh một hậu quả đáng tiếc liên quan đến tính mạng con người. Nên chăng cơ quan thi hành án cần cân nhắc việc nên hay không gấp gáp trong việc cưỡng chế thi hành án, bởi dù sao pháp luật cũng ưu tiên và tôn trọng nguyên tắc tự nguyện trước.