Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vụ hai nữ sinh bị tạt axit: Nguyên nhân bắt nguồn từ lỗ hổng luật pháp?

Đó là quan điểm của Luật sư Trần Quốc Dũ, Trưởng Văn phòng Luật sư Thịnh Quốc (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) khi bàn luận đến vụ 2 nữ sinh bị tạt axit khi đang lưu thông trên đường ở quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh). Báo LĐ&XH (baodansinh.vn) xin đăng tải nội dung quan điểm này.

 

 Luật sư Trần Quốc Dũ 

Trở lại sự việc ngày 30/3:, sau khi tan trường, Hoàng Tăng Thị Thu Hương (20 tuổi) chạy xe máy chở Trần Nguyễn Ái Duyên (21 tuổi) trên đường Quang Trung (từ quận Gò Vấp về nhà trọ ở quận 12)  bất ngờ bị hai đối tượng tạt axit. Hương ngã xuống đường, mặt và tay bị bỏng nặng với 75% gương mặt, mắt trái không có khả năng phục hồi, mắt phải bỏng độ 1. Duyên ngồi sau, cũng bị bỏng, nhưng mức độ nhẹ hơn. Công an quận Gò Vấp đã bắt 3 nghi can và bước đầu đối tượng khai nguyên nhân là do mâu thuẫn cá nhân. Từ vụ việc cụ thể này có thể thấy tiếng chuông báo động về tình trạng gây thương tích bằng hình thức tạt axit lại thêm một lần nữa gióng lên.

Nạn nhân trong vụ tạt axit diễn ra trưa 30/3 tại Gò Vấp

Theo tôi, sở dĩ tình trạng sử dụng axit để trả thù cá nhân đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng, xét về nguyên nhân thì được bắt nguồn từ hai yếu tố chính, bao gồm:

Thứ nhất, pháp luật hiện nay chưa có chế tài rõ ràng và đủ sức răn đe đối với dạng tội phạm này. Trên thực tế, hiện nay hành vi tạt axit chủ yếu bị xử lý hình sự theo tội danh “cố ý gây thương tích”, gần như không có trường hợp nào bị xử lý theo tội danh “giết người”. Nguyên nhân là do trong hầu hết các vụ tạt axit thì nạn nhân chỉ bị thương tật, hậu quả chết người không xảy ra, chính vì vậy mà việc xử lý hình sự đối với tội phạm này hiện nay chỉ dừng lại ở tội danh “cố ý gây thương tích”. Tuy nhiên trên thực tế, dù không xảy ra hậu quả chết người thì những di chứng và thương tật nặng nề do hành vi này gây ra sẽ khiến nạn nhân gặp khó khăn trong sinh hoạt, lao động hàng ngày, khó khăn trong giao tiếp xã hội, bị mọi người xa lánh do dung mạo bị phá hủy, từ đó hủy hoại phần đời còn lại của họ “sống không bằng chết”.

Thứ hai, hiện nay nhà nước chưa có cơ chế quản lý, xử lý, giám sát chặt chẽ việc buôn bán, tiêu thụ mặt hàng axit. Có một thực tế là hiện nay người ta có thể dễ dàng mua được axit tại các cửa hàng buôn bán hóa chất công nghiệp, bên cạnh đó các cửa hàng này cũng có thể tự do buôn bán mặt hàng axit mà không phải đăng ký với cơ quan chức năng. Chính sự dễ dãi trong quản lý này là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các đối tượng có ý đồ phạm tội có thể dễ dàng sở hữu axit làm công cụ để phạm tội.

Nạn nhân của những vụ tạt axit thường là phụ nữ, trẻ em và các đối tượng yếu thế 

Và để khắc phục lỗ hổng trên, thứ nhất, pháp luật cần có chế tài đủ sức răn đe đối với loại tội phạm nguy hiểm này. Cụ thể, nên xem xét việc xử lý hành vi này với tội danh “giết người” trong những trường hợp cần thiết. Như đã nêu, hiện nay sở dĩ khó xử lý theo tội danh “giết người” đối với hành vi này là do chưa xảy ra hậu quả chết người – vốn là một dấu hiệu khách quan bắt buộc trong cấu thành tội phạm giết người. Tuy nhiên, chúng tôi có thể căn cứ vào các quy định tại Điều 18; các khoản 1, 3, Điều 52 Bộ luật Hình sự hiện hành,vẫn có thể xử lý hành vi này với tội danh “giếtngười” trong giai đoạn chưa đạt, tức là giết người nhưng chưa có hậu quả chết người xảy ra. Trên thực tế, có nhiều trường hợp hung thủ sử dụng axit mạnh, có nồng độ cao, tạt hoặc đổ vào những vị trí nguy hiểm trên cơ thể nạn nhân như miệng, tai, mặt,…Từ đó có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân nếu không được cứu chữa kịp thời. Trong trường hợp này, mục đích phạm tội cũng như thủ đoạn của hung thủ không chỉ dừng lại ở việc muốn gây thương tích đơn thuần cho nạn nhân nữa, mà đã chuyển sang tước đoạt mạng sống của nạn nhân; và như vậy hoàn toàn có cơ sở để xử lý hành vi này với tội danh “giết người” trong giai đoạn chưa đạt.

Để hiện thực hóa đề xuất này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao,… cần ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn riêng biệt về hướng xử lý hành vi tội phạm nguy hiểm này, trong đó quy định rõ các dấu hiệu như mức độ thương tật, chủng loại và mức độ đậm đặc của axit sử dụng để phạm tội, mục đích phạm tội,… để tạo căn cứ cho việc xử lý hành vi này với tội danh thích hợp, có thể là “cố ý gây thương tích” hoặc “giết người”, tùy tính chất và mức độ nghiêm trọng của nó.

Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp kịp thời để siết chặt quản lý việc kinh doanh, sử dụng các loại axit để tránh việc đối tượng có ý đồ phạm tội có thể tiếp cận dễ dàng với công cụ gây án. Về việc này, chúng ta có thể học tập mô hình quản lý của các nước trên thế giới. Chẳng hạn, tại Ấn Độ, các cửa hàng mua bán axit phải có giấy phép, thường xuyên báo cáo số lượng với chính quyền. Nếu giấu giếm, khai man số lượng sẽ bị phạt 50.000 rupee (hơn 20 triệu đồng). Các cửa hàng chỉ được bán cho người có đăng ký thông tin với cửa hàng như hình ảnh, địa chỉ, số điện thoại, mục đích sử dụng… Ai vi phạm có thể bị khởi tố theo Luật Thuốc độc của Ấn Độ.