Bị cáo Phan Văn Anh Vũ
Sáng 13/12, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử Phan Văn Anh Vũ, Trần Phương Bình và 24 đồng phạm trong vụ án gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á 3.608 tỷ đồng.
VKSND TP.HCM bác bỏ quan điểm Vũ "nhôm" không phạm tội. Theo VKS, việc Vũ cho rằng có sự vi phạm tố tụng thể hiện qua việc điều tra viên, kiểm sát viên không cho đối chất là vô căn cứ. Bởi trong việc đối chất thì ngoài điều tra viên, kiểm sát viên, còn có luật sư bảo vệ của Phan Văn Anh Vũ. Việc này đã thể hiện bằng biên bản đối chất.
VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét thái độ của Vũ "nhôm" khi định tội. Bởi bị cáo này không những không nhận tội mà còn có ý vu khống cơ quan tố tụng.
Đối với việc luật sư bào chữa của Vũ "nhôm" cho rằng ông Trần Phương Bình và Nguyễn Đức Vinh thay đổi lời khai thì tại tòa, Bình lại khai không hề có ý cho Vũ mượn tiền, còn Vinh nói được Bình chỉ đạo hạch toán treo. Điều này hoàn toàn phù hợp. Vũ cho rằng đây là giao dịch dân sự nhưng chỉ là ý kiến của Vũ, không có căn cứ chứng minh.
Các bị cáo tại tòa
Việc may mượn cần phải có hợp đồng hoặc giao dịch bằng miệng, giữa Bình và Vũ không hề có bất kỳ thỏa thuận nào. Thực tế, Vũ có năng lực hành vi, tại tòa thể hiện Vũ có trí óc minh mẫn bình thường. Do đó, việc Vũ ký vào bản nộp tiền chứ không phải kê tiền, phải có tiền thực chứ không chỉ kê khống mà không nộp.
Biên bản có nội dung, Vũ ký tên thì buộc phải đọc nội dung. Số tiền Vũ nhận của ngân hàng chứ không phải của Bình, không ai bắt Vũ ký được. Vũ có thể không tham gia bàn bạc, không nghe Bình chỉ đạo Vinh nhưng việc ký tên hoàn toàn là ý thức của Vũ.
Đại diện VKS cũng bác bỏ hoàn toàn ý kiến Vũ và luật sư nói Vũ không phạm tội. Đối với việc Vũ chỉ ra cơ quan điều tra trích xuất bị can ra khỏi trại giam khi vụ án đã có lịch xét xử là vi phạm, VKS cho rằng cũng không có căn cứ. Vũ đang bị khởi tố về các tội danh khác nên việc trích xuất Vũ là bình thường. VKS không chấp nhận việc cấn trừ 203 tỷ Vũ "nhôm" nộp vào thiệt hại đối với bị cáo Trần Phương Bình.
Trong phần bào chữa, các luật sư của bị cáo Trần Phương Bình trình bày thêm nguyên nhân bối cảnh DAB, đề nghị xem xét lại hành vi xuất khẩu vàng, hành vi kinh doanh ngoại hối là rủi ro có thật, chi lãi ngoài là vì tránh để ngân hàng sụp đổ.
VKS bác bỏ quan điểm trên. Ngân hàng Nhà nước có quy định cụ thể về mức lãi suất, Bình và đồng phạm không chấp hành. Khi thấy ngân hàng rút vốn thì những người này chủ trương chi lãi ngoài. Theo quan điểm của VKS, nếu DAB có nguy cơ sụp đổ thì cần phải báo cáo ngân hàng Nhà nước để có biện pháp chứ không thể tự ý đưa ra chủ trương trái luật, dẫn đến thiệt hại 467 tỷ đồng.
VKS chấp nhận kiến nghị của luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho ông Bình) về việc cần phải thu hồi lại tiền chi lãi suất ngoài từ các đối tượng đã nhận để khắc phục hậu quả vụ án.
Về ý kiến cấn trừ cổ phần của Bình và người thân tại DAB, VKS không chấp nhận, bởi Bình mua cổ phần DAB đứng tên mình và người thân. Hậu quả là DAB đã thiệt hại không thể khắc phục, còn Bình và người thân thì đã nhận cổ tức hàng năm. Đồng thời cổ phần tại DAB chưa được giao dịch nên chưa thể tính giá trị, không thể cấn trừ vào thiệt hại.
Cơ quan công tố cũng bác bỏ ý kiến của luật sư cho rằng việc xuất quỹ chi sai nguyên tắc mua USD cho Vũ "nhôm", tại tòa Vũ đã thừa nhận trách nhiệm dân sự, đồng thời đã và đang khắc phục hậu quả từ hành vi này nên cần loại bỏ trách nhiệm hình sự cho ông Bình.
Lý do là vì hành vi chiếm đoạt tiền của DAB đã hoàn thành trước đó, Vũ nộp lại tiền chỉ xem là khắc phục hậu quả chứ không thể loại bỏ trách nhiệm hình sự của các bị cáo.