Quê nghèo phủ trắng khăn tang.
Ngày đầu đi làm đã gặp chuyện
Sáng 26/3, chúng tôi tìm về thôn Đại Nam 3, xã Đại Trạch, (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) khi cả gia đình ông Nguyễn Văn Hữu (SN 1963) đang ngóng chờ xe chở thi thể của anh Nguyễn Văn Chiến (SN 1987) về quê an táng. Khi nhận được hung tin về Chiến, bà con xóm làng đã lặng lẽ đến chia buồn cùng gia đình và chờ thi thể của anh để nhìn mặt lần cuối, những nét mặt đăm chiêu, lo âu hiện hữu lên khuôn mặt của từng người. Dường như không ai có thể tin nỗi anh Chiến lại ra đi nhanh như vậy.
Hàng xóm đến chia buồn với gia đình anh Chiến.
Khi chiếc xe cứu thương đưa thi thể anh Chiến về tới cổng, bà con xóm làng đã cùng nhau đưa anh vào nhà. Ông Hữu không tin vào mắt mình, cứ đưa mắt nhìn bà con vây quanh thi thể con mình mà nói: “sao con lại ra đi nhanh như vậy Chiến ơi?mới hôm qua con vẫn khỏe mạnh mà! Ông nức lên từng tiếng nói, đừng đắp mặt con tui lại. Hắn còn thở đó, chỉ đau mệt nên nghỉ chút thôi. Còn Bà Trần Thị Hiểu (SN 1965, mẹ anh Chiến) ngồi bất động một chỗ, nước mắt không ngừng rơi. Được biết, chiều qua khi nghe hung tin về người con trai, bà đã khóc suốt đêm. Trong tiếng khóc bà kể lể: “Hôm qua nó còn ở nhà ăn cơm với gia đình, mà sao nó lại ra đi nhanh như vậy trời. Chiến ơi là Chiến, sao con bỏ mẹ mà đi!"
Có mặt ở gia đình anh Trương Đình Tuấn (SN 1976, trú ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh), không khí tang thương bao trùm lên căn nhà nhỏ. Vào khoảng 23h đêm qua, khi gia đình nhận được hung tin từ, cả gia đình lẫn vợ con, hàng xóm…đều không tin đó là sự thật và cho rằng có sự nhầm lẫn nào đó. Sáng hôm nay, thi thể anh Tuấn được chuyển về, vợ anh, chị Trương Thị Mận (SN 1974) nói trong nước mắt: “Buổi chiều anh có điện về cho tui bảo tối nay anh làm tăng ca xong sáng mai anh sẽ về nhà thăm mẹ con em vì đứa con út của bọn tui đang bị ốm từ tết đến chừ….thế mà tui đã mất anh ấy rồi”. Chị Mận vợ anh ngồi bất động bên quan tài.
Đại tang ở xã nghèo
Trong vụ sập giàn giáo kinh hoàng tại công trường Formosa ngày hôm qua, xã Lâm Trạch có tới 3 người chết và 4 người bị thương. Là một xã miền núi nghèo khó bậc nhất của huyện Bố Trạch, cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, quanh năm luẩn quẩn trong vòng đói nghèo. Thanh niên đa phần là đi rừng, còn phụ nữ thì ở nhà làm nghề khai thác gỗ. Mấy năm trở lại đây, khi khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) mở cửa và được sự đầu tư của nước ngoài. Một số người đã xin đi làm công nhân, cuối năm về cũng tích góp được ít tiền để trang trải cho cuộc sống khó khăn. Thấy vậy, nhiều người trong xã đã cùng nhau ra Vũng Áng làm công nhân, công việc dù nhiều và mệt nhưng ít ra cũng hơn ở nhà. Những tưởng cuộc sống sẽ khởi sắc hơn, ai ngờ chỉ sau một đêm, tin giữ ập về, trong làng có tới 7 người gặp nạn, trong đó có 3 người chết.
Đại tang ở quê nghèo Lâm Trạch.
Khi chiếc xe chở những người xấu số về trước làng, mẹ, vợ và các con của hai nạn nhân Nguyễn Văn Bảo và Nguyễn Văn Dũng đã gào thét, nhào ra nhưng chỉ thấy thi thể của các anh được phủ chăn. Từ khi nhận được tin báo, người mẹ già đã chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Anh Bảo là con út trong gia đình có 4 anh chị em, bố mất cách đây hơn chục năm, các anh chị đều đã thành gia thất nên anh sống cùng mẹ và hai đứa cháu.
“Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên sau khi học xong cấp 3, Bảo ở nhà, có việc gì làm việc nấy. Khi thì đi phụ xây, khi vác cây keo, mưa gió thì ở nhà chăn bò cho mẹ. Nó hiền lắm, ai mượn việc gì cũng sẵn sàng giúp. Cả đời cũng chưa ra khỏi làng bao giờ. Ra Tết, thấy nhiều người đi làm công nhân về cũng khấm khá, Bảo cũng đi hi vong dành dụm được chút kiếm. Trước khi đi làm nó còn khoe vói tôi là nó rất vui vì lần đầu tiên được đi làm, sẽ cố gắng dành dụm tiền về mua ít ván lót lên trần nhà để nếu có mưa lũ cũng không sợ ngói rơi xuống người mẹ già, cháu nhỏ. Dư dả nữa thì về có tiền cưới vợ”, anh Nguyễn Xuân Nghĩa, bạn thân anh Bảo kể lại.
Trong ngôi nhà cấp 4 chưa kịp hoàn thiện, chị Nguyễn Thị Thương, vợ nạn nhân Nguyễn Văn Lịch tay ôm đứa con út chưa tròn tuổi, tay ôm chiếc quan tài khóc ngất. Người thân, bạn bè đến viếng ai cũng không cầm được nước mắt, không biết tương lai cháu sẽ ra sao khi đã sớm mồ côi cha. Cả ngày hôm nay, khi thi thể của ba nạn nhân được chuyển về, cả làng quê nghèo Lâm Trạch bao trùm một không khí đau thương, tang tóc. Tiếng khóc ai oán đến nghẹn lòng của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng khiến những người có mặt không cầm được nước mắt.
Cũng trong chiều 26/3, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh có 7 người chết và 11 người bị thương nặng trong vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Ngay trong buổi sáng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh và thống kê số lượng công nhân là con em Quảng Bình tử vong, bị thương trong vụ tai nạn và có chính sách hỗ trợ kịp thời.