Ngày 11/3 mới đây, thông tin từ UBND xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, Long An cho biết các lực lượng chức năng và công an đang khám nghiệm hiện trường vụ án mạng xảy ra rạng sáng cùng ngày.
Theo lời khai ban đầu của chị Hằng, khoảng 0h30 đêm 11/3, chị nghe tiếng kêu cửa từ phía ngoài. Lúc đó, chồng chị vừa bước ra khỏi giường tới mở cửa thì bất ngờ chị nghe tiếng kêu thất thanh của chồng. Vừa choàng tỉnh dậy, chị Hằng chỉ loáng thoáng thấy anh Hội ngã quỵ xuống đất. Chưa kịp hoàn hồn, chị bị đối tượng Nguyễn Thành Trung lao vào khống chế để hỏi chỗ cất giấu tiền, vàng.
Quá kinh hoàng trước sự việc xảy ra chị phản kháng mạnh để thoát thân nhưng bị Trung vung dao chém 2 nhát vào người, sau đó, chị vùng bỏ chạy và chụp được con dao trên bàn quơ lại phía sau. Cú quơ của chị trúng ngay vào vùng đầu đối tượng Nguyễn Thành Trung khiến đối tượng này xuống đất cách thi thể chồng chị khoảng 5 mét và tử vong sau đó.
Nhận được tin báo của người dân, công an huyện Cần Giuộc đã có mặt tại hiện trường. Do đây là vụ án nghiêm trọng nên họ chuyển hồ sơ về công an tỉnh để phối hợp thực hiện, đồng thời đưa hai thi thể về Trung tâm Y tế huyện để làm thủ tục khám nghiệm pháp y.
Hiện trường nơi xảy ra vụ án
Cũng theo lời khai của chị Hằng, cách sự việc nói trên khoảng hơn một tháng, Trung có vay mượn của vợ chồng chị Hằng khoảng 60 triệu đồng, nhiều lần gia đình chị yêu cầu Trung trả khoản nợ trên nhưng đối tượng khất lần chưa trả.
Trong vụ án lần này, nhiều người lo lắng cho chị Hằng, sợ chị vướng vào lao lý. Nhận định về điều này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, trước tiên, Cơ quan cảnh sát điều tra phải xem xét từng chứng cứ, lời khai xem trường hợp này có phải là phòng vệ chính đáng hay không, sau đó quyết định có khởi tố vụ án không?
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp
Nếu diễn biến vụ việc đúng như trên, và vụ án được khởi tố, chị Nguyễn Thúy Hằng có thể bị cấu thành tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 96 Bộ luật hình sự năm 1999 (Sửa đổi bổ sung năm 2009):
"Điều 96. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Giết nhiều người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm."
Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có cấu thành tội phạm như sau:
- Khách thể: là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền sống của con người.
- Khách quan: Hành vi khách quan của tội phạm là giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Đây là trường hợp nạn nhân chính là người có hành vi tấn công, xâm hại lợi ích hợp pháp và hành vi giết người là hành vi người phạm tội lựa chọn thực hiện để ngăn chặn hành vi tấn công, bảo vệ lợi ích hợp pháp đang bị xâm hại. Trong trường hợp này, hành vi giết người để phòng vệ là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết để thực hiện quyền phòng vệ chính đáng.
- Chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.
- Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 trở lên.
Do chỉ làm chết một người nên chị Hằng có thể phải chịu hình phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử có thể xem xét tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho chị Hằng, cụ thể là cho hưởng án treo.
Luật sư Cường cũng nhấn mạnh rằng: "Theo nội dung vụ án, tên trộm không những trộm đi tài sản của vợ chồng nạn nhân mà còn giết cả người chồng, thậm chí còn truy đuổi, đe dọa tính mạng người vợ, như vậy tên trộm đã xâm phạm đến quyền bảo đảm về tính mạng, sức khỏe và quyền bảo đảm về tài sản của người vợ. Vì thế, việc sử dụng hung khí của người vợ chống trả lại đối tượng đang truy sát mình là cần thiết và tương xứng để bảo vệ tính mạng của bản thân. Hành vi của người vợ dùng dao chém hung thủ gây tử vong trong hoàn cảnh này thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng nên không cấu thành tội phạm là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Hướng dẫn của TAND Tối cao đã quy định: "Nếu hành vi trái pháp luật của nạn nhân trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội hoặc của xã hội, đã cấu thành tội phạm thì hành vi chống trả lại gây chết người có thể được xem là trường hợp phòng vệ chính đáng".
Hiện vụ việc đang được Cơ quan tiến hành tố tụng xác minh, điều tra ban đầu theo quy định. Nhưng nếu đúng như lời khai ban đầu của người vợ và đối chiếu từ bốn yếu tố như đã phân tích, giới hạn phòng vệ chính đáng trong vụ việc này không bị "vượt quá", người vợ không bị xem là "tội phạm" theo quy định của khoản 1 Điều 22 BLHS.