Tôi và chồng quê ở Hưng Yên, cả 2 yêu nhau nhau từ khi học đại học đến lúc ra trường. Sau khi đi làm được 1 năm, chúng tôi quyết định kết hôn vì tôi trót có bầu. Sau khi cưới nhau, vì 2 gia đình cũng không có điều kiện để mua nhà riêng ở Hà Nội nên chúng tôi vẫn thuê nhà ở gần chỗ tôi làm để tiện đi lại. Vợ chồng mới cưới, thu nhập còn thấp nên chúng tôi chi tiêu rất tằn tiện.
Ảnh: hurriyetaile.com
Chồng tôi làm kỹ sư điện, lương tháng 7-8 triệu nhưng công ty cũng thường nợ lương, 2-3 tháng mới trả 1 lần. Tôi làm nhân viên kinh doanh ở một công ty mỹ phẩm, lương cứng của tôi chỉ khoảng 4 triệu. Do thu nhập theo doanh số nên có tháng tôi được 20 triệu, cũng có tháng tôi chỉ được 5-6 triệu.
Sau khi con tôi được 6 tháng, tôi đi làm lại và nhờ bà ngoại ra trông con. Tôi ít sữa nên phải nuôi con bằng sữa bột. Tiền bỉm, sữa tốn kém, lại thêm tiền nhà và chi phí sinh hoạt nên hầu như gia đình tôi hầu như tháng nào hết tháng đó, cùng lắm là để ra được 1-2 triệu.
Tuy hoàn cảnh vợ chồng tôi vậy nhưng mẹ chồng tôi tính lại rất hay khoe, hay nói theo cách của giới trẻ hiện nay là “sống ảo”. Bà có thể khoe với hàng xóm, họ hàng bất cứ cái gì từ chuyện tôi đẻ được con trai, lương tôi cao, chồng tôi lên chức, nhà tôi mới sắm đồ. Nhiều lần, mẹ chồng tôi khoe “quá đà” khiến tôi rất muối mặt khi về quê gặp họ hàng, làng xóm.
Không biết mẹ tôi nói sao mà giờ họ hàng, làng xóm thường mặc định vợ chồng tôi đi làm tháng lương mấy chục triệu, cuộc sống dư dả, khấm khá. Nhiều lần họ hàng vay tiền vợ chồng tôi mà tôi xấu hổ thay với họ. Khi chồng tôi góp ý với mẹ chuyện hay khoe thì mẹ chối đây đẩy rồi bảo là “Tao có nói gì đâu, toàn người ta tự suy diễn với tưởng tượng” làm vợ chồng tôi cũng cạn lời.
Công ty tôi chuyên kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm như sữa rửa mặt, kem dưỡng da, sữa tắm… nên vào mùa đông này, hàng hóa nhìn chung ế ẩm, doanh số giảm. Năm ngoái, công ty còn thưởng Tết dương cho nhân viên mỗi người 1 triệu tiền mặt do đạt doanh số còn năm nay do hàng hóa ế ẩm, không đạt doanh số nên công ty thông báo mỗi nhân viên được thưởng 5 lọ sữa rửa mặt trị giá 1 triệu làm nhân viên chúng tôi bật khóc. Là nhân viên, ai chả thích được thưởng tiền mặt, chứ công ty thưởng hiện vật thế này thì chúng tôi dùng đến bao giờ cho hết.
Nói chuyện này với chồng, chồng tôi cũng bảo công ty anh ấy cũng chỉ thưởng 200.000 đồng cho nhân viên. Vậy là Tết dương năm nay vợ chồng tôi gần như chẳng có gì mà vẫn phải chi tiền xe taxi, tiền quà cáp để về quê.
Biết chúng tôi được nghỉ Tết dương sẽ về quê thăm nhà, mẹ chồng tôi hôm trước vừa gọi điện hỏi thăm cháu rồi đánh tiếng vợ chồng tôi về cần mua quần áo, quà cáp cho các cụ, các cháu ở nhà. Mẹ chồng tôi còn liệt kê chi tiết người này sẽ tặng quà gì làm tôi không biết nói thế nào. “Cụ ngoại, cụ nội thì con mua áo nhé, trời lạnh nhớ mua áo nào dày ấm 1 chút, còn các cháu thì con mua bánh kẹo với sữa. Nhớ mua loại nào đắt chút bánh kẹo vớ vẩn chúng nó không ăn đâu”, mẹ chồng tôi nói.
Mẹ đẻ tôi biết chuyện thấy thương tôi nên bà dúi cho tôi một ít tiền nhưng tôi không dám nhận. Tôi thấy thương mẹ quá, từ ngày lấy chồng tôi chẳng mang được gì về cho nhà ngoại, còn mẹ chồng thì liên tục đòi hỏi để mát mặt với xóm làng.
Tính ra, tiền xe về quê nhà tôi mất 1 triệu, tiền quà cáp ít nhất cũng 1 triệu rưỡi - 2 triệu nữa. Tôi về nhà chồng Tết dương mà tâm trạng chẳng có chút niềm vui.
Theo Dân Trí/Vietnamnet.vn