Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vua đầu bếp Pháp 2015 Huỳnh Khánh Ly: Sự nghiệp là số 1, gia đình ở trong tim

 
Huỳnh Khánh Ly trong cuộc thi Master Chef 2016 tại Pháp.
 
Đây là lần thứ hai Khánh Ly đến Việt Nam. Lần này, cảm nhận của chị về Việt Nam có gì khác?
 
Lần trước là đi du lịch, lần này tôi về Việt Nam vì công việc. Việt Nam thay đổi nhiều với tốc độ nhanh quá!
 
Đang theo học ngành luật và quản lý, bỗng dưng chị chuyển sang nghiên cứu về ẩm thực và nghệ thuật nấu ăn, lý do thay đổi là gì? Và bước chuyển thật sự bắt đầu từ khi nào?
 
Tôi quan tâm một cách nghiêm túc tới lĩnh vực ẩm thực từ khi ra sống riêng một mình, khoảng năm 20 tuổi. Chuyển đến sống ở Paris, tự mình nấu nướng, tiếp xúc với những sản phẩm nông nghiệp phong phú và đa dạng của Pháp, tôi chợt phát hiện ra niềm đam mê nấu nướng tiềm ẩn.
 
Có nghĩa là việc trở thành đầu bếp không phải ước mơ từ nhỏ của Khánh Ly?
 
Đúng, đó không phải niềm đam mê từ nhỏ của tôi. Thậm chí, khi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi có một nhà hàng và kinh doanh về ẩm thực, tôi đã không hề thích bởi nhận thấy sự vất vả và mệt mỏi của nghề này.
 
Khi quyết định chuyển nghề, bố mẹ Khánh Ly có ý kiến thế nào?
 
Bố mẹ tôi đã không đồng ý vì hiểu rằng nghề bếp rất vất vả và mệt mỏi, họ muốn tôi theo học ngành luật. Chỉ sau khi tôi giành chiến thắng Vua đầu bếp Pháp 2015, bố mẹ mới bị thuyết phục bởi niềm đam mê và sự quyết tâm của tôi.
 
 
 “Sự kết hợp ẩm thực Pháp - Việt chính là một phần tâm hồn tôi”, vua đầu bếp Pháp Huỳnh Khánh Ly cho biết.
 
Chiến thắng trong cuộc thi Vua đầu bếp Pháp 2015 có phải là bước ngoặt trong cuộc sống và sự nghiệp của chị không?
 
Sau chiến thắng đó, tôi được tham gia khóa học nghề CAP nấu ăn ở Trường tư thục Alexandre Dumas và khóa đào tạo về “Thành lập và quản lý các nhà hàng” tại Viện Paul Bocuse danh tiếng ở Lyon. Trước đây, khi là đầu bếp không chuyên, tôi có rất nhiều ý tưởng trong việc nấu nướng nhưng thật khó để tự tạo ra công thức của riêng mình. Sau khi được đào tạo, người thầy đầu tiên là Paul Pasédat đã hướng dẫn tôi các kỹ thuật nấu nướng. Những kỹ thuật nền tảng và cơ bản đã giúp các ý tưởng của tôi có thể bay cao, bay xa hơn.
 
Còn một điều nữa, trước sự kiện đáng nhớ ấy, tôi không quan tâm đến các chương trình truyền hình, nhưng bây giờ việc tham gia các chương trình truyền hình trở thành một phần chính trong công việc và cuộc sống của tôi.
 
Các món ăn Việt Nam trong gia đình đã có ảnh hưởng thế nào đến phong cách ẩm thực của Khánh Ly?
 
Hồi nhỏ, tôi thường vào bếp làm cùng bố, mẹ như cuốn nem hay một số món ăn thông dụng của Việt Nam. Một số món ăn Việt Nam có ảnh hưởng lớn đến phong cách ẩm thực của tôi như nước dùng của món phở, món bún bò Huế… Tôi vẫn luôn tìm cách kết hợp hương vị của món ăn Việt Nam với món ăn Pháp. Như với món chè rất đặc trưng Việt Nam, khi làm tại nhà hàng ở Paris, tôi chỉ thay đổi một chút cho phù hợp với gu của người Pháp; hay tôi cho lá dứa vào trong bánh ga tô. Những món ăn được hòa quyện ẩm thực Á - Âu đó đã được nhiều thực khách Pháp rất thích. Sự kết hợp ẩm thực Pháp - Việt chính là một phần tâm hồn tôi. 
 
Đặc biệt, trong cuộc thi Vua đầu bếp Pháp 2015 có phần thử thách yêu cầu nấu món súp cá, tôi đã nghĩ ngay đến món canh cá của Việt Nam. Ban giám khảo đã rất thích món “súp cá” kiểu Việt Nam và nhờ đó tôi đã chiến thắng vòng thi rồi đoạt ngôi vị Quán quân Master Chef 2015.
 
 
 
Huỳnh Khánh Ly chụp ảnh kỷ niệm với các nhà báo Việt Nam. 
 
Đầu bếp là một nghề khá nặng nhọc với phụ nữ, quan điểm của Khánh Ly thế nào?
 
Xã hội ngày nay đã hiện đại hơn, bình đẳng hơn, phụ nữ đã khẳng định được vị thế của mình, có tự do, vị trí, công việc riêng, đó là xu hướng chung. Tôi ủng hộ xu hướng này. Nghề làm bếp chiếm nhiều thời gian và phải hy sinh rất lớn. Mọi người có thể nghi ngờ khi thấy một phụ nữ như tôi vào bếp, nhưng những gì tôi làm sẽ khiến họ có cái nhìn khác về tôi. Tôi ưu tiên hàng đầu là sự nghiệp, luôn coi nấu nướng là niềm đam mê, trong đầu tôi luôn có những ý tưởng và dự án mới. Tôi không bao giờ nản khi mình muốn làm gì đó. Niềm đam mê này được đặt lên trên hết. Chuyện riêng tư ở vị trí thứ hai, bởi với tôi, niềm đam mê và học tập có tầm quan trọng lâu dài.
 
Tôi luôn yêu gia đình. Tất cả những gì tôi đang làm, sẽ làm, nhằm để có được tương lai tốt đẹp cho gia đình của mình. Có thể có người nói rằng, tôi bận rộn thì không có thời gian cho gia đình, nhưng thực ra, gia đình luôn nằm trong trái tim tôi.
 
Khánh Ly từng nói có dự định mở một nhà hàng. Vậy kế hoạch đó đã thực hiện đến đâu?
 
Dự án mở nhà hàng thì tôi vẫn đang xây dựng hàng ngày. Tôi rất kỹ tính, cầu toàn. Dự án này từng được tôi trình bày trong thời gian làm tốt nghiệp tại Viện Paul Bocuse. Các thầy giáo đã rất ủng hộ, đánh giá dự án khả thi và khuyến khích tôi thực hiện. Ngay tại thời điểm đó cũng như sau cuộc thi Master Chef 2015, rất nhiều người ngỏ ý muốn đầu tư vào dự án này của tôi. Tuy nhiên, tôi đã từ chối vì cho rằng, để mở nhà hàng thì tôi cần phải trưởng thành và chín chắn hơn. Đến giờ, dự án đã định hình rất rõ ràng và tôi chưa muốn lựa chọn nhà đầu tư nào mà sẽ giữ lại cho đến khi mình có thể tự thực hiện.
 
Cảm ơn về buổi nói chuyện, chúc Khánh Ly thực hiện thành công kế hoạch mở nhà hàng!
 
Huỳnh Khánh Ly là người Pháp gốc Việt. Bố Khánh Ly là người Sài Gòn, mẹ là người Hà Nội. Cô sinh năm 1991 tại Pháp và du lịch đến Việt Nam lần đầu tiên cách đây 3 năm. Các món ăn Việt yêu thích của cô là: Bánh cuốn, cao lầu, bún bò Huế, mỳ Quảng... Hiện cô là đầu bếp tư, cố vấn và nhận được nhiều lời mời trên toàn thế giới. 

Lam Linh/TC GĐ&TE