Ông Pham Thanh Xuân được các đồng đội đến chúc mừng.
Ươm mầm xanh trên đồi núi trọc
Là thương binh 2/4 thời chống Mỹ ở xã Đoàn Tùng (huyện Thanh Miện, Hải Dương), năm 1992, ông Phạm Thanh Xuân dắt díu vợ và 6 con nhỏ lên làng Lúc, xã Bảo Hà lập nghiệp. Ngày ấy, vùng đất Bảo Hà với hơn 90% dân số là người Mông và Dao sống du canh, du cư phá rừng làm rẫy. Rừng trụi cả mảng, những cây cổ thụ gốc hai ba người ôm cũng phải khuất phục trước lưỡi dao quắm, cưa điện…Đứng trước hoang vu đất trống, đồi trọc do phá rừng làm nương để lại, trong nhà không ít người nản chí đòi “hồi hương”. Để tìm được sự đồng thuận trong gia đình, ông Xuân nhiều lần thuyết phục vợ, con, đồng thời vạch kế hoạch làm ăn theo phương thức lập trang trại “lấy công làm lãi”, “lấy ngắn nuôi dài”.
Ông nhớ lại: “Khởi đầu, cuộc sống gieo neo, thiếu thốn trăm bề. Nhưng với quyết tâm “góp gió thành bão”, gia đình tôi cùng chung tay dọn bãi trồng rau màu, cây lương thực, nuôi thêm gia cầm. Cuộc sống cũng theo thế mà từng bước được cải thiện...”.
Trong những tháng ngày vất vả kiếm sống, nhiều đêm thao thức tính kế sinh nhai, Phạm Thanh Xuân nhận ra nhu cầu về cây giống trên địa bàn là rất lớn, nhưng chưa có ai biết ươm gieo. Lời dạy của Bác Hồ “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây…”, đã thôi thúc ông thực hiện ý định “ươm mùa xuân” cho đời. Từ những kiến thức tích lũy được qua tham khảo một số mô hình ở các địa phương khác, tìm hiểu chương trình khuyến nông, khuyến lâm trên phương tiện nghe nhìn, ông lập vườn ươm rồi cặm cụi sàng lọc đất, trộn NPK, đóng bầu, gieo hạt chăm chút chờ đợi cây lớn dần… Năm 1994, gia đình ông thử nghiệm gieo hơn mười vạn cây bầu các loại gồm keo, mỡ, quế cho 3 xã ven sông Hồng. Thật bất ngờ, khoản thu từ tiền bán cây giống sau khi trừ chi phí còn lãi gần 5 triệu đồng. Có vốn, ông tiếp tục đầu tư mở rộng vườn ươm. Những năm tiếp theo, bình quân gia đình ông gieo 30 - 50 vạn cây các loại cung ứng cho thị trường, không những giúp ông thoát khỏi cảnh cơ hàn vươn lên làm giàu mà còn góp phần không nhỏ vào việc phủ xanh hàng trăm ha đồi núi trọc, gìn giữ môi trường trên địa bàn các huyện Bảo Yên, Văn Bàn và Bảo Thắng.
Ông Phạm Thanh Xuân (áo trắng) giới thiệu với đồng đội về mô hình nuôi ong.
Đến thương hiệu “ong Thanh Xuân”
Với bản chất của người lính, luôn tự tin, dám nghĩ, dám làm, chưa bằng lòng với những gì đã có, ông Phạm Thanh Xuân tiếp tục đổi cách làm kinh tế, bứt phá vươn lên.
Nhận thấy mật ong là món quà tặng quý giá và tiềm năng của tự nhiên nhưng lại mới chỉ được khai thác nhỏ lẻ nên năm 1996 ông quyết định mở thêm nghề chăn nuôi ong lấy mật. Gom góp, dành dụm mua được 50 đàn ong nội làm vốn nhưng do chưa có kinh nghiệm, chưa nắm được phương pháp, kỹ thuật nuôi nên số ong này bay đi hết. Không nản lòng, ông lại sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật nuôi ong, tham quan một số mô hình nuôi ong thành công để học hỏi kinh nghiệm. Trở về, người thương binh ấy lại lặn lội khắp các vùng rừng núi Bảo Yên, Văn Bản của tỉnh Lào Cai để săn lùng, mua gom những đàn ong nhỏ lẻ. Không phụ công người, đàn ong của ông dần dần ổn định và đã nhân giống lên được gần 100 đàn, mỗi năm cho thu hoạch hơn một tấn mật ong.
Nhận thấy, nếu chỉ nuôi ong bản địa ở vùng rừng núi Lào Cai thì chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có của tự nhiên, ông lại mày mò tìm cách nuôi và nhân giống đàn ong ngoại. So với ong nội, ong ngoại có thân hình to khỏe hơn, bay được xa và có khả năng hút sâu vào trong nhụy hoa, bởi thế nên lượng phấn hoa thu được nhiều hơn, chất lượng mật tốt, năng suất mật do vậy cũng cao hơn ong bản địa gấp 4, 5 lần. Để nâng cao sản lượng và chất lượng mật, đàn ong được ông vận chuyển đến nhiều vùng rừng núi của các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang, Hưng Yên, Bắc Giang…
Ngoài 9 - 10 tấn mật ong, mỗi năm ông Xuân còn thu thêm được 500 - 700 kg phấn hoa, khoảng 40 kg sữa ong chúa. Khi nguồn sản phẩm đã dồi dào để cung cấp ra thị trường, ông lại trăn trở làm sao để đảm bảo chất lượng với người tiêu dùng. Và ông nghĩ đến việc đăng ký bản quyền chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Tại Hội chợ Việt Nam Bestfood tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2007, thương hiệu mật ong Thanh Xuân - Bắc Hà của thương binh Phạm Thanh Xuân đã giành được Huy chương Vàng cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Đến nay Cty TNHH phát triển ong miền núi Thanh Xuân giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, thương binh Phạm Thanh Xuân còn tích cực tham gia vào phong trào xóa đói giảm nghèo của địa phương, hỗ trợ về kỹ thuật và phương pháp nuôi ong mật, mô hình làm kinh tế trang trại cho bà con. Ông còn tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chia sẻ khó khăn với những người đồng đội.
Với những thành tích đã đạt được, thương binh Phạm Thanh Xuân đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen tại Hội nghị Biểu dương người có công tiêu biểu năm 2017.