Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vui, buồn chuyện nhà thơ sống bằng nghề báo

Không biết buồn, hay vui khi thực tế hiện nay rất nhiều nhà thơ đương đại Việt Nam đang sinh sống nhờ vào nghề viết báo. Nhiều người trong số họ cho rằng, mình đang lấy ngắn nuôi dài, lấy nghề để nuôi nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy dường như không phải vậy, mà ngược lại, có nhiều nhà thơ hiện nay lại nổi danh chính bằng nghề báo, chứ không phải bằng sáng tạo thi ca. Có lẽ đó là sự trả giá tất yếu vậy. Biết làm sao được khi: “Cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu).

 

Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu lúc sinh thời cũng từng thốt lên rằng: “Nỗi đời cơ cực giơ nanh vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ”. Có lẽ vì thấm thía “nỗi đởi cơ cực” mà“nghề thơ không đủ nuôi thi sĩ” nên chính Xuân Diệu từng khuyên các nhà thơ lớp sau rằng, trước khi ngồi vào bàn làm thơ thì hãy lo chuyện cơm áo cho tươm tất đã. Thực tế cho thấy từ thời phong trào Thơ Mới đến nay, các nhà thơ Việt Nam dường như chẳng có mấy ai sống được một cách “tươm tất” bằng sáng tác thi ca, mà chủ yếu kiếm sống bằng một thứ nghề khác và chủ yếu là viết báo. Đến như Tản Đà  - Nguyễn Khắc Hiếu, một ngôi sao sáng trên thi đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20 cũng từng sống bằng đồng lương làm chủ bút của tạp chí Hữu Thanh và An Nam tạp chí. Nhờ đồng lương làm chủ bút của hai tờ tạp chí mà thời đó Tản Đà khá rủng rỉnh tiền, nên thường đi du lịch khắp trong Nam ngoài Bắc. Tới khi An Nam tạp chí bị đình bản, thì cuộc sống thường ngày của Tản Đà bắt đầu rơi vào hoàn cảnh túng thiếu.

Những năm 1956,  1957, cố thi sĩ tài danh Nguyễn Bính cũng thử vận mình trong nghề báo, những mong có một cuộc sống ổn định hơn, để nuôi nghiệp thơ. Nhưng vận may đã không mỉn cười với ông. Làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Trăm Hoa được vài số thì tờ báo đóng cửa vì đứt vốn. Dường như những câu thơ ông viết đã vận vào cuộc đời ông vậy: “Ai bảo dấn thân vào bút mực/ Suốt đời mang cái nghiệp long đong/ Người đi tìm kiếm giàu sang cả/ Mình chỉ mơ toàn chuyện viển vông”.

Các nhà thơ làm báo thời trước nào có yên thân, họ long đong lận đận vì báo chí đã ít, lại bị kiểm duyệt gay gắt, nên có thể bị đình bản bất kỳ lúc nào. Nguyễn Vỹ từng ngao ngán: “Làm báo làm bung chán mớ đời” là vì thế.Trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, với sự xuất hiện hàng loạt các loại hình báo chí từ báo giấy, báo hình, báo nói tới báo điện tử đã tạo cơ hội cho các nhà thơ có đất dụng võ, không còn sợ lận đận thất nghiệp như thời hai thi sĩ Tản Đà và Nguyễn Bính. Chính vì thế cái nghề coi là tay trái của các nhà thơ đương đại hiện nay chủ yếu là nghề báo. Đội ngũ các nhà thơ sống bằng nghề báo khá đông đảo (chỉ tính các nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) cũng lên tới con số vài chục nguời. Riêng ở TP. Hồ Chí Minh cũng có khoảng chục nhà thơ đã và đang là những nhà báo hưởng lương chính thức ở các tờ báo, tạp chí, báo mạng, phát thanh, truyền hình.

 Cố thi sĩ Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu từng làm chủ bút hai tờ tạp chí nổi tiếng là An Nam tạp chí và Hữu Thanh.

Phần lớn các nhà thơ đều rẽ ngang qua nghề viết báo và chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp chính quy về chuyên môn báo chí. Nhưng họ là những người vốn có tâm hồn nhạy cảm, dễ thích ứng với hoàn cảnh cũng như môi trường viết lách. Tuy nhiên do đặc thù của tư duy sáng tạo thi ca là tưởng tượng, còn tư duy báo chí là chạy theo các sự kiện mang tính thời sự trong đời sống xã hội. Chính sự khác biệt ấy đã khiến các nhà thơ khi mới bước vào nghề báo cũng gặp không ít khó khăn trong tác nghiệp. Nhưng nghề dạy nghề, sau một thời gian năng động tích cực dấn thân nhập cuộc họ đã nhanh chóng trưởng thành và trở thành những cây viết chủ lực về mảng văn hóa, văn nghệ của nhiều tờ viết, báo nói, báo hình, báo mạng.

Đây được xem là mảng đề tài sở trường thế mạnh của các nhà thơ và chính họ đã góp phần làm cho trang văn hóa, văn nghệ của các loại hình báo chí trở nên sinh động hơn, nhân văn hơn, hấp dẫn hơn. Nhuận bút của một bài báo tuy chưa hẳn là đã cao,  nhưng so với mặt bằng nhuận bút chung hiện nay thì một bài báo chắc chắc có nhuận bút cao hơn một bài thơ. Nếu chịu khó “cày”, có sức “cày” và cộng tác với nhiều tờ báo, thì thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống, chứ không đến nỗi long đong, thiếu trước hụt sau. Nhờ đó mà các nhà thơ cũng tạm sống được bằng nghề báo, lấy nghề báo nuôi nghiệp thơ của mình.

                                                                              Cố thi sĩ Nguyễn Bính

 Đa phần các nhà thơ dù làm báo hay làm nghề gì khác thì ngọn lửa đam mê sáng tạo thi ca không bao giờ tắt. Họ coi thơ là duyên nghiệp rồi và luôn trải lòng mình qua những bài thơ, câu thơ giàu cảm xúc. Đối với họ hạnh phúc lớn nhất trong đời là làm sao viết được những câu thơ để lại ấn tượng sâu sắc và bền vững trong lòng người đọc. Nhiều nhà thơ đã biết nắm lấy cơ hội của nghề làm báo với lợi thế được đi nhiều, thấy nhiều, ghi nhận được nhiều vấn đề trong cuộc sống xã hội mà vận dụng vào sáng tạo thi ca. Thơ của họ vì thế cũng tươi rói những cảm xúc, những rung động chân thực về cuộc sống, về thân phận của kiếp người.

Nhìn từ góc độ này mới thấy các nhà thơ đương đại sống bằng nghề làm báo thật sự rất năng động và có nhiều “đất” để “dụng võ”, nhiều cơ hội để tiến thân. Nhiều người trong số họ không những thành danh trong sự nghiệp thi ca, mà còn tiến thân thành danh trong lĩnh vực báo chí. Không ít các nhà thơ đã từng và đang là những tổng biên tập của các tờ báo, tạp chí có uy tín trong làng báo chí../.