Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vùng nông thôn, miền núi đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào?

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Việc xử phạt đối với hành vi không phân loại rác thải sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 1/1/2025. Thế nhưng đến nay, việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt là bài toán khó giải quyết.

Phân loại rác thải thất bại tại nhiều địa phương

Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ ngày 1/1/2025, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn (tại từng hộ gia đình) sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển. Trong trường hợp vi phạm tại hộ gia đình, mức xử phạt có thể lên tới 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, trả tiền theo lượng rác ra sao. Các đơn vị thu gom vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về trang thiết bị, tần suất, địa điểm thu gom rác đã phân loại...

Vùng nông thôn, miền núi đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào? - 1
 Phân loại rác thải tại nguồn góp phần bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước có nhiều nỗ lực tăng cường công tác quản lý trong xử lý chất thải rắn đô thị. Nhiều địa phương cũng đã đầu tư, ban hành nhiều chính sách để xây dựng những dự án phân loại rác sinh hoạt từ đầu nguồn thải.

Thí dụ, như TPHCM đã triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ năm 2017, với lộ trình từng bước rõ ràng. Nếu năm 2017, mỗi quận, huyện thực hiện ít nhất tại một phường, xã,  thị trấn thì năm 2018 mở rộng số lượng từ 3 - 5 và đến năm 2020 thì triển khai trên toàn địa bàn thành phố.

Thế nhưng, kết quả thu lại không được bao nhiêu. Chỉ khoảng 30% lượng rác được phân loại. Hạ tầng thu gom và vận chuyển rác sau khi phân loại chưa đồng bộ, dẫn đến việc rác dù đã được tách riêng vẫn bị trộn lẫn khi thu gom. 

Còn tại Hà Nội, cách đây 15 năm, thành phố đã rầm rộ ra quân dự án 3R bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn không được duy trì. Nguyên nhân là bởi chưa có sự chuẩn bị chu đáo; quy trình, công nghệ xử lý rác thải chưa phù hợp, thiếu đồng bộ.

Rác thải được phân loại thành rác tái chế, vô cơ và hữu cơ; trong đó một phần rác hữu cơ được xử lý, sản xuất thành phân bón vi sinh nhưng đầu ra cho loại phân bón này thiếu ổn định, rất khó tiêu thụ trên thị trường và không có đơn vị bao tiêu sản phẩm...

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên phạm vi cả nước khoảng 67.877,34 tấn/ngày; trong đó, khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143,05 tấn/ngày; khu vực nông thôn khoảng 29.734,30 tấn/ngày. Về hiện trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cả nước có 1.548 cơ sở.

Trong đó, cơ sở đốt chất thải rắn sinh hoạt là 340 (chiếm 21,96%); cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành mùn/phân hữu cơ là 30 (chiếm 1,94%); cơ sở chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt là  1.178 (chiếm 76,10%), trong đó nhiều cơ sở không hợp vệ sinh.

Còn lúng túng

Ông Nguyễn Thành Lam, đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội ban hành, thay thế cho Luật Bảo vệ môi trường 2014. Có rất nhiều nội dung mới theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Đối với quản lý rác sinh hoạt, có một số điểm mới cần được nhận thức rõ như: Lần đầu tiên quy định bắt buộc phải phân loại rác thải tại nguồn, không còn là khuyến khích như các luật ban hành trước đó (nếu không phân loại sẽ bị từ chối thu gom và bị phạt); rác được phân thành 3 loại: Có khả năng tái chế, thực phẩm, khác (bao gồm nguy hại, cồng kềnh và rác thông thường khác);

Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; phải trả tiền theo lượng rác thải ra (PAYT), phải đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.

Các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, hạ tầng và nhân công theo hợp đồng ký kết để thu gom vận chuyển xử lý rác đã phân loại; phân cấp mạnh mẽ trong quản lý rác.

Vai trò và trách nhiệm mới của cơ quan Trung ương (Bộ TN&MT), của địa phương cấp tỉnh, cấp quận, huyện và cấp xã, phường; vai trò của các cơ quan, đoàn thể các cấp.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch cho biết, các địa phương khá lúng túng khi triển khai phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch phân loại rác tại nguồn.

Các hộ dân, chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, phải trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu, như thế nào; các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, tần suất địa điểm thu gom rác đã phân loại, vẫn thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết.

Trong thu gom, vận chuyển chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định làm tồn đọng chất thải rắn sinh hoạt kéo dài gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.

Cùng với đó, các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý còn thiếu…

Trước thực trạng trên, để đảm bảo việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn từ hộ gia đình, cá nhân, Bộ TN&MT vừa có thông báo gửi các địa phương về việc triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Bộ TN&MT đề nghị các địa phương chủ động, tích cực hơn nữa trong việc triển khai tổ chức, quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về giá.

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị các địa phương thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực cho việc đầu tư đồng bộ hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Sớm có kế hoạch chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, ưu tiên áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu về giảm tỷ lệ chôn lấp trực tiếp dưới 30% vào năm 2025.

Minh Châu

Báo Lao động và Xã hội số 123