Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Vươn cao khát vọng đổi mới

Những năm gần đây, Quảng Ninh ghi nhiều dấu ấn đặc biệt về một địa phương năng động, sáng tạo và mạnh dạn đổi mới. Dù rằng còn có những điều phải băn khoăn, suy nghĩ, còn có những hạn chế, tồn tại, nhưng kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh đã chứng tỏ quyết tâm, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Năm 2015, trong tâm thế vươn cao khát vọng đổi mới, mỗi người dân Quảng Ninh càng thêm tự hào về vùng đất mặt trời lên sớm, để xây dựng vùng mỏ là nơi cần đến và nơi đáng sống…

Trải thảm đỏ thu hút đầu tư… 

Với bất kỳ những ai đã từng đặt chân đến Quảng Ninh, giờ trở lại mảnh đất này cũng không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi khác nhanh chóng về hạ tầng cơ cở và kinh tế xã hội nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ, những thành tựu mà Quảng Ninh đã đạt được trong những năm qua cho thấy đây thực sự là những bước chuyển mình ngoạn mục. Với tốc độ tăng trưởng GDP luôn gấp đôi so với mức bình quân chung của cả nước, Quảng Ninh là một trong những tỉnh có đóng góp cao cho ngân sách Trung ương, không chỉ cung cấp nguồn năng lượng quan trọng như than, điện, nguyên vật liệu xây dựng, mà còn là điểm hội tụ, kết nối các đầu tàu phát triển của đất nước, khu vực.

Bí thư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách. 

 Theo quy hoạch phát triển Quảng Ninh, địa phương này sẽ trở thành địa bàn động lực vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ, hình thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, là một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước …

Từ năm 2011 đến nay, dù trong bối cảnh cả thế giới khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của tỉnh Quảng Ninh vẫn tăng 9,53%/năm (so với cả nước là 5,5%). GDP bình quân đầu người đạt 2.635,7 USD, tăng 42,7% so với năm 2010 (1.847 USD) và gấp 1,7 lần so với cả nước (1.540 USD).  

Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, trên nền tảng đã đạt được, ở giai đoạn tới, địa phương sẽ tập trung xây dựng niềm tin vững chắc cho mọi người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư về sự đổi mới trên mọi lĩnh vực, theo hướng ngày càng hiện đại hơn, mang lại lợi ích thiết thực hơn. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Ninh cũng cho rằng, nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ có niềm tin, bởi họ nhìn thấy ở Quảng Ninh hạ tầng giao thông đồng bộ, thủ tục hành chính thuận tiện, môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn nhân lực tốt. Đặc biệt, lãnh đạo Tỉnh ủy và chính quyền địa phương nhất quán trong chỉ đạo điều hành, có những cơ chế tích cực trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…Đây là yếu tố thu hút niềm tin từ các nhà đầu tư, để họ yên tâm đầu tư vốn vào vùng đất này.

Phối cảnh dự án Khu kinh tế Vân Đồn, điểm nhấn kinh tế của vùng đất mỏ.

Được biết, tại các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã cam kết tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng để tạo ra một chất lượng mới, trình độ mới, cao hơn cho nền kinh tế. Chuẩn bị tốt mọi điều kiện, nhất là công tác đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đối với chiến lược xây dựng Đặc Khu kinh tế Vân Đồn, đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ tích cực, đảm bảo để triển khai nhanh các dự án quan trọng ở lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đô thị xanh, các khu công nghiệp, khu kinh tế… của các nhà đầu tư chiến lược đã, đang và sẽ đầu tư tại Quảng Ninh. Tỉnh cũng tập trung đồng bộ triển khai các quy hoạch chiến lược đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trọng tâm là quy hoạch nguồn nhân lực thông qua các đề án cụ thể, ổn định…

 Đảm bảo an sinh xã hội bền vững

 Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, công tác đảm bảo an sinh xã hội luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Ninh quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần từng bước nâng cao đời sống của người dân, tạo đà cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

 Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội địa phương. Hàng năm, ngân sách tỉnh đã trích hàng tỷ đồng để hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn. Chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay hộ nghèo của Nhà nước đã được tỉnh thực hiện đến 100% các xã, tạo động lực khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Phong cảnh Vịnh Hạ Long.

Công tác xã hội hoá huy động các nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh được chú trọng với các chương trình: Vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, phân công trợ giúp xã nghèo, huy động các tổ chức, đoàn thể tham gia hoạt động giảm nghèo cho hội viên… Qua đó, đã góp phần tích cực vào việc giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Đến hết năm 2014, toàn tỉnh có thêm 2.035 hộ thoát nghèo, đưa số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 5.852 hộ, chiếm tỷ lệ 1,75%. Và,  Quảng Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ giảm nghèo nhanh và bền vững nhất trong cả nước.

 Cùng với công tác giảm nghèo, các công tác như chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công; đào tạo nghề; bảo trợ xã hội… cũng được tỉnh Quảng Ninh quan tâm thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đề ra. Hiện toàn tỉnh đang quản lý và thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho trên 14.000 người có công với cách mạng, với tổng kinh phí chi trả trên 20 tỷ đồng. Việc chăm lo, thực hiện chính sách với người có công trên địa bàn được thực hiện kịp thời, đảm bảo chính xác, đầy đủ quyền lợi cho người có công, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Toàn tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 29.100 đối tượng bảo trợ xã hội, với mức trợ cấp tối thiểu là 300.000 đồng/đối tượng, gấp 1,7 lần so với mức trợ cấp tối thiểu của Trung ương quy định (180.000 đồng), tổng kinh phí chi trả hàng năm trên 120 tỷ đồng.

Khách quốc tế tham quan Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh.

Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện hỗ trợ 100% chi phí phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật hệ vận động. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc miền núi và biên giới, như: Chính sách hỗ trợ hộ nghèo vay vốn và có đất sản xuất, huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng phục vụ dân sinh, hỗ trợ tiền ăn cho học sinh vùng khó khăn...

Trong giai đoạn tới, Quảng Ninh tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên tinh thần kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đối với đối tượng người nghèo.

“Chặng đường phía trước có nhiều thời cơ và thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Tuy vậy, chúng tôi tin rằng với sự quyết tâm, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, chắc chắn tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, tạo bứt phá ngoạn mục để đưa địa phương phát triển thành tỉnh mạnh của cả nước, là tỉnh kiểu mẫu trong phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội…”.   

Đến hết quý I/2015, Quảng Ninh đã có 202 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 2.675 tỷ đồng, tăng 5,7% về số doanh nghiệp và 294,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2014, tạo việc làm cho 2.200 lao động.  Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được 21 dự án đầu tư, với tổng mức đăng ký mới và điều chỉnh là 11.343 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với quý I năm 2014.