Khoản Tín dụng Chính sách Phát triển về Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, phê duyệt ngày hôm nay, cùng với dự án Tăng cường Khả năng Kháng cự Biến đổi Khí hậu và Sinh kế Bền vững Vùng Đồng bằng sông Cửu long mới được phê duyệt gần đây đã đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam tập trung vào tăng trưởng xanh và bao trùm, và hạn chế các rủi ro trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Tăng cường thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, tăng khả năng chịu đựng là quan trọng đối với Việt Nam cũng như sự phát triển bền vững của nước này”, ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói. “Hỗ trợ chương trình nghị sự này của Việt Nam cũng nằm trong nỗ lực toàn cầu cùa Ngân hàng Thế giới về ứng phó với biến đổi khí hậu, và đây là mục tiêu ưu tiên của chúng tôi.”
Đây là khoản thứ nhất trong loạt 3 khoản tín dụng tài trợ cho các hành động chính sách về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi khí hậu của chính phủ do Bộ Tài nguyên & Môi trường chủ trì.
Loạt tín dụng này sẽ được chi cho công tác thực hiện các chính sách tăng cường quy hoạch và quản lý tổng hợp ven biển, và các khoản đầu tư công có lợi cho lĩnh vực biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, bảo vệ tài nguyên nước và tăng cường tiết kiệm sử dụng nước, và trồng rừng ven biển. Khoản tín dụng cũng được dùng hỗ trợ các chính sách phát triển giao thông và sản xuất công nghiệp, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Những hành động chính sách này cũng giúp Việt Nam chuẩn bị thực hiện các cam kết đã hứa trước thềm Hội nghị về Biến đổi khí hậu tại Paris năm 2015 do Hội nghị Khung về Biến đổi khí hậu của LHQ tổ chức.
Nguồn tín dụng do hiệp hội Phát triển Quốc tế cấp. Đây là nhánh cho vay ưu đãi phục vụ các nước nghèo nhất trên thế giới của WB.