Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội thảo
Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, khu vực ngân hàng của Việt Nam đã tích cực tập trung xử lý các khoản nợ xấu trong những năm gần đây. Việc triển khai Đề án Cơ cấu lại Hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 (theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ) và Đề án Xử lý Nợ xấu của Hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó có việc thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cùng với những sửa đổi về khung pháp lý và thể chế sau đó nhằm tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, là dấu hiệu cho thấy quyết tâm giải quyết nợ xấu và củng cố sự ổn định của khu vực tài chính- ngân hàng.
Việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng giá trị nợ xấu hiện tại và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn lớn, tiềm ẩn rủi ro đối với sự an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ.
“Các cải cách trong khu vực ngân hàng có ý nghĩ đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo năng lực phục vụ nền kinh tế của hệ thống,” Tiến sĩ Jennifer Isern, Giám đốc Khối Tư vấn Tài chính và Thị trường phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Nhóm Ngân hàng Thế giới phát biểu. “Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam triển khai các giải pháp phù hợp với các điều kiện đặc thù, đặc biệt là các giải pháp cải thiện khung pháp lý và giám sát, thiết lập môi trường và hệ thống pháp lý lành mạnh và thuận lợi, và hình thành một thị trường mua bán nợ xấu hoạt động hiệu quả.”
Với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Nhóm Ngân hàng Thế giới cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiếp tục thúc đẩy việc xử lý nợ xấu với một hội thảo quốc tế được tổ chức tại Hà Nội. Khoảng 150 nhà hoạch định chính sách của Việt Nam và các chuyên gia quốc tế cũng như trong nước, bao gồm cả các đại diện của khu vực tư nhân, đã tham dự hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia về việc ghi nhận, quản lý và xử lý nợ xấu.
Hội thảo kéo dài trong một ngày tập trung thảo luận Nghị quyết 42 mới được thông qua nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của hệ thống tổ chức tín dụng và phát triển thị trường mua bán nợ như mở rộng phạm vi đối tượng mua, bán nợ xấu của VAMC, thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp, mua và bán nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất … .
Các nhà hoạch định chính sách cũng đã tìm hiểu kinh nghiệm của Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ấn Độ và Malaysia về xử lý nợ xấu và các bài học rút ra trong vấn đề quản trị và quản lý rủi ro. Hội thảo cũng phân tích góc nhìn của khu vực tư nhân về một số sáng kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm đa dạng hóa các phương án xử lý nợ xấu thông qua việc phát triển các thị trường cho tài sản chờ xử lý nợ, bao gồm việc bán nợ xấu cho các nhà đầu tư.
“Với kinh nghiệm tư vấn cho các chính phủ trong việc xử lý nợ xấu ở các thị trường mới nổi, chúng tôi đang cộng tác với các bên hữu quan ở các cấp khác nhau nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu,” Tiến sĩ Jennifer Isern, Giám đốc Khối Tư vấn Tài chính và Thị trường phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết.