Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Xã hội hóa sân khấu: Không năng động là… thua!

Năm nay, các đơn vị nghệ thuật nhà nước sẽ bị cắt giảm 30% ngân sách, bắt đầu thực hiện lộ trình tiến đến xã hội hóa hoàn toàn. Điều này có khó khăn nhất định, nhưng là bước chuyển tất yếu trong lộ trình quy hoạch của Bộ VH-TT&DL về định hướng phát triển sân khấu, tầm nhìn 2015-2020. Trước đó, từ năm 2015, ba đơn vị được chọn để thí điểm đầu bước vào lộ trình cắt giảm ngân sách (Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ) dẫu phải trải qua rất nhiều gian nan, nhưng vẫn giữ được doanh thu từ 10 đến 12 tỷ đồng, đời sống diễn viên được đảm bảo, các vở diễn đạt chất lượng cao...

Cái khó “ló” cái khôn 

Từ năm 2016, các nhà hát của các loại hình truyền thống dân tộc như cải lương, tuồng, chèo đều bước vào lộ trình bị cắt giảm 30% kinh phí, chuyển sang cơ chế đặt hàng. Cơ chế này tích cực ở chỗ kích thích sự năng động của các nghệ sĩ, diễn viên, bắt buộc họ phải tăng cường các hoạt động biểu diễn, tìm nguồn thu để bù đắp phần thiếu hụt.  Nhà hát Cải lương Việt Nam gần đây đã tìm nguồn xã hội hóa để dựng vở diễn tiền tỷ như “Mai Hắc Đế”, “Chuyện tình Khau Vai”. 

Trong cái khó đã “ló” cái khôn. Nhà hát Tuổi Trẻ mỗi năm được đặt hàng 5 tác phẩm, nhưng đơn vị vẫn dựng 15-20 tác phẩm, như vậy 10 đến 15 tác phẩm được dựng bằng nguồn xã hội hóa. Năm 2015, dự án hợp tác giữa Nhà hát Tuổi Trẻ với ngân hàng SHB trị giá 4 tỷ đồng. Với số tiền này, các nghệ sĩ đã diễn nhiều đêm miễn phí dự án “Chắp cánh niềm tin”, cộng đồng được hưởng thụ mà diễn viên cũng có nguồn thu. Trên thực tế, đơn vị này chỉ được đặt hàng 10 buổi diễn miễn phí phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhưng khi thực hiện xã hội hóa, số buổi diễn miễn phí còn tăng gấp đôi so với quy định của Nhà nước. Khi lãnh đạo nhà hát và các nghệ sĩ đều hướng đến sự năng động thì không ai có thể chây ỳ. 

...Nhưng cũng không dễ “ăn”

Theo kế hoạch, từ năm nay, mỗi năm các nhà hát sẽ bị cắt 30% kinh phí,  đến năm 2018 về cơ bản sẽ xã hội hóa hoàn toàn. Cụ thể ba nhà hát được thí điểm từ năm ngoái, năm nay vẫn giữ mức giảm 30%, và tất cả các đơn vị nghệ thuật phải đối diện với mức giảm 60% khi bước sang năm 2017. Những con số này dễ khiến lãnh đạo các nhà hát bị “sốc” khi phải đối diện với bao nhiêu áp lực về công việc, nhân sự… Hiện các nhà hát đang tỏa đi khắp nơi tìm nguồn thu, nghệ sĩ, diễn viên cũng được khuyến khích đi tìm nguồn tài trợ. Theo phản hồi từ lãnh đạo một số nhà hát, “con đường” cắt giảm hoàn toàn kinh phí chưa hẳn là đúng trong thời kỳ chuyển đổi sang cơ chế thị trường.

Theo quy định mới, kế hoạch dàn dựng hàng năm của các đơn vị phải được báo cáo trước cả năm và phải được thông qua Hội đồng thẩm định của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì mới được thực hiện. Điều này dẫn đến hai tình trạng: Thứ nhất, có những nhà hát có tác phẩm không được Hội đồng thẩm định đồng ý do chất lượng kịch bản kém. Thứ hai, liệu đội ngũ mỏng manh của của Cục Nghệ thuật biểu diễn có thẩm định được hết kịch bản của tất cả 12 đơn vị nghệ thuật sân khấu và có ảnh hưởng đến tiến độ, thời gian của các nhà hát? 

Xã hội hóa sân khấu hướng đến cải thiện đời sống cho các nghệ sĩ.

Quy định này khiến cơ chế như bị quay về góc độ bao cấp và đang bị một số đơn vị phản đối, bởi nếu Bộ đã giao quyền tự chủ cho các nhà hát thì hãy để họ tự chịu trách nhiệm. Hội đồng thẩm định chỉ duyệt khi tác phẩm đã hoàn thành, đằng này Bộ muốn thẩm định từ khâu kịch bản mà chưa chắc trình độ chuyên môn của người đọc kịch bản đã bằng được các nghệ sĩ dựng vở. Điều này, không cẩn thận lại thành chế độ xin- cho, vốn đã bị bãi bỏ vì hạn chế sáng tạo. Hiện các nhà hát đang đấu tranh, đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét lại quy định này.  

Vẫn cần mô hình chuẩn

Việc cắt giảm  ngân sách sẽ thuận lợi với một số nhà hát có điều kiện về mặt bằng, về các nguồn thu dịch vụ, song với những đơn vị không có mặt bằng cho thuê thì rất khó khăn. Ví như Nhà hát Cải lương Việt Nam, với vị trí nằm trong ngõ, đến rạp diễn còn phải đi thuê thì đương nhiên là khó khăn gấp bội. Điều đáng nói, Nhà nước đưa dần sang cơ chế đặt hàng, tự chủ về kinh phí, nhưng văn hóa là loại hình đặc biệt nhằm mục đích phi lợi nhuận, những cái không thể đo được bằng tiền, chứ không phải mục đích chính của hoạt động nghệ thuật là tiền bạc. Thế nên, Nhà nước vẫn phải có chế độ đầu tư, hỗ trợ hoặc về cơ sở vật chất, hoặc chế độ đãi ngộ gì đó cho những hoạt động nghệ thuật đích thực, nhằm cung cấp giá trị tinh thần cho công chúng, chứ không phải đặt nặng việc phải kiếm được bao nhiêu tiền trong một năm?. 

Nghệ sĩ trong các nhà hát công lập có lẽ không mải mê kiếm tiền đến nỗi bỏ quên giá trị nghệ thuật, bởi bản chất người nghệ sĩ luôn hướng tới chân thiện mỹ, đến nghệ thuật đích thực. Hơn nữa, các nghệ sĩ đều được đào tạo bài bản, được sống trong môi trường chuyên nghiệp là đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VH-TT&DL. Thế nhưng, họ sẽ không tránh khỏi những va vấp, chạnh lòng khi mình làm nghệ thuật nghiêm túc thì khó khăn, trong khi nghệ sĩ tự do cứ làm thoải mái để kiếm tiền.  Con đường xã hội hóa sân khấu sẽ giúp các nhà hát và nghệ sĩ năng động, tháo vát hơn, nhưng cũng là lời cảnh báo nếu không cẩn thận sẽ sa đà vào cái rẻ tiền...