Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Xã Long An (An Giang): Nông dân lập quỹ giúp nhau xóa nghèo

Không thụ động trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua ở An Giang đã xuất hiện mô hình nông dân lập quỹ giúp nhau làm ăn ,để vươn lên thoát nghèo, đem lại hiệu quả đáng kể trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

 

Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Long Thành, xã Long An, thị xã Tân An (An Giang), người đề xướng thành lập và điều hành nguồn quỹ xóa nghèo nông thôn đầu tiên của thị xã Tân An cho biết, mục đích thành lập tổ hùn vốn gây quỹ là vì tình nghĩa xóm giềng, giúp nhau cùng thoát nghèo. Xuất phát từ những suy nghĩ đậm chất nhân văn về tinh thần tương thân tương ái ấy, năm 2007, Tổ hùn vốn xóa nghèo của những người nông dân ấp Long Thành, xã Long An, thị xã Tân Châu (An Giang) ra đời. Nguồn vốn đóng góp vào quỹ là tùy vào khả năng và sự tự nguyện của bà con nông dân trong vùng. Khởi đầu nguồn vốn của quỹ này chi vài triệu đồng, dần dà số cổ đông tham gia tăng lên, đến nay số tiền quỹ đã lên tới hàng chục triệu đồng và đang không ngừng tăng lên theo từng mùa vụ. Sau khi có nguồn quỹ, tổ họp tất cả các thành viên góp vốn lại và công khai danh sách những người nghèo nhất để được xét ưu tiên giúp vốn cho hộ cần vay theo thời gian mùa vụ, hoặc tùy vào hình thức đầu tư làm ăn. Người được vay vốn cũng phải cam kết sử dụng đồng vốn đúng mục đích và trả lãi với lãi xuất thấp nhất theo quy định của tổ là 1,5% /tháng. Cùng giám sát vốn là tập thể các hộ góp vốn và chịu trách nhiệm theo dõi trực tiếp là Chi hội trưởng Nông dân ấp.

 Nhờ được vay vốn từ quỹ Tổ hùn vốn của địa phương mà nhiều hộ nông dân nghèo đã có cơ hội triển khai thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản, vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao thoát nghèo bền vững. 

Để duy trì và phát triển nguồn quỹ, cứ sau khi thu hoạch vụ mùa, bà con trong Chi hội Nông dân ấp lại đến các gia đình trong ấp vận động ủng hộ quỹ. Theo thống kê của ban quản lý Tổ hùn vốn, đến rất nhiều hộ được vay vốn, với số vốn trung bình 1,5 triệu đồng/hộ. Cuộc sống các gia đình được vay vốn từ quỹ, tuy chưa khá giả, nhưng đã thực sự thoát nghèo từ vài năm nay. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Túc ở ấp Long Thành, xã Long An là hộ cận nghèo, năm 2007 được quỹ cho vay 2,7 triệu đồng mua bò nuôi. Sau hơn 2 năm, nhờ tích cóp từ tiền bán bò, gia đình ông đã sửa chữa được ngôi nhà khang trang hơn. Hiện nay, đàn bò gia đình ông đã phát triển được 3 con bò cái sinh sản, nhờ vào nuôi bò sinh sản mà gia đình ông đã mua thêm được 1 công đất (1.000 m2) trồng cỏ và thuê thêm 2 công đất để trồng màu phát triển sản xuất tăng thêm thu nhập. Gia đình ông Phạm Công Thắng thuộc diện nghèo trong nhiều năm ở ấp Long Thành, xã Long An được hỗ trợ vay chỉ với 1 triệu đồng để mua phân, thuốc trừ sâu phục vụ 2 công lúa, sau 3 vụ trúng mùa liên tiếp đã hoàn trả cả vốn lẫn lời và bắt đầu có tích lũy. Gia đình ông Nguyễn Văn Tấn, được vay hơn 4 triệu đồng để mua 100 con vịt nuôi chạy đồng, sau hơn 6 tháng cho xuất bán, không chỉ trả cả vốn lẫn lãi mà còn dư được hơn 10 triệu đồng, ông tái đầu tư đàn vịt đông hơn.

 Mô hình nuôi vịt chạy đồng của nhiều nông hộ góp phần tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, xóa nghèo cũng được vay vốn từ quỹ tổ hùn vốn địa phương.

Ông chia sẻ: “Nhờ nguồn quỹ mà gia đình ông đã thoát cảnh nhà dột, túng thiếu. Dẫu số tiền quỹ hỗ trợ không lớn, nhưng nếu sử dụng đúng mục đích, biết làm ăn và chịu thương, chịu khó thì sẽ không chỉ thoát nghèo mà còn có tích lũy”.  Lãnh đạo Hội Nông dân xã Long An cho biết, nếu không có nguồn quỹ của tổ hùn vốn, thì người dân nghèo trong xã rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, vì lãi xuất cao, không chịu nổi. Nguồn vốn của tổ hùn vốn cho vay tuy không lớn, nhưng đã tạo cơ hội cho người nghèo được vay vốn làm ăn với lãi xuất thấp, từ đó  đã hình thành nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, góp phần giúp cho nhiều hộ nghèo tăng thêm thu nhập, vươn lên trong cuộc sống. Đây thực sự là một trong những mô hình hỗ trợ vốn giúp nhau thoát nghèo rất thiết thực và hiệu quả, cần được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh . Được biết, ấp Long Thành có 509 hộ, trước đây số hộ nghèo, chiếm tới hàng trăm hộ, nhưng đến nay giảm xuống chỉ còn vài hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn mới. Đó là một nỗ lực tự vươn lên rất đáng kể của chính bản thân những người nghèo,  cùng sự triển khai thực hiện tích cực về mặt chính sách, giải pháp giảm nghèo của chính quyền địa phương. Có thể nói, quỹ xóa nghèo của chính những người nông dân nghèo hùn nhau lập nên ở xã Long An, tuy số tiền không lớn, nhưng nó đã có tác dụng thiết thực và tích cực góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo theo hướng bền vững ở xã Long An, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang trong những năm qua./.