Chiều 26/4, đại diện Formosa đã cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam vì câu nói “chọn tôm cá hay chọn nhà máy” của Phó phòng đối ngoại Chu Xuân Phàm trả lời kênh VTC14, hôm 25/4.
Đây được coi là một động thái mà nhiều người cho rằng để xoa dịu dư luận sau phát ngôn “tôi nói rất thật lòng” của ông Chu Xuân Phàm khiến cả xã hội bất bình.
Tuy nhiên, dư luận vẫn còn nhiều quan ngại vì đằng sau lời xin lỗi, người dân mong muốn cần có những hành động thiết thực.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn Vĩnh Phúc) nhấn mạnh về những việc làm thiết thực đằng sau lời xin lỗi, chứ không chỉ là xin lỗi rồi để đấy.
ĐB Nguyễn Ngọc Bảo trong một lần phát biểu tại hội trường quốc hội. Ảnh quochoi.vn. |
“Xin lỗi vì đã không tôn trọng đầu tư bền vững của Việt Nam là đúng. Nhưng lời xin lỗi cần phải đi đôi với hành động thực tế. Không bao giờ có chuyện đến đầu tư vào đất nước của chúng tôi, thu lợi nhuận rồi thiệt hại người dân Việt Nam hứng chịu. Không bao giờ có chuyện đó.
Minh chứng cho lời xin lỗi phải bằng những việc làm cụ thể, sau này không có bất cứ một sự ô nhiễm xả thải nào từ nhà máy của Formosa ra môi trường nữa. Xin lỗi phải đi liền với cam kết qua những hành động thực tế”, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo nói.
“Ảnh hưởng từ việc xả thải không qua xử lý sẽ là rất lớn đến môi trường Việt Nam, không phải chỉ trước mắt mà còn lâu dài, nó cực kỳ nguy hiểm. Để khắc phục được việc này là cả một quá trình rất dài.
Sự ảnh hưởng không chỉ ở môi trường mà còn là các lĩnh vực như kinh tế, du lịch, xã hội.
Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải xem lại, không những kinh tế vĩ mô mà còn phải xem chính những dự án đầu tư từ nước ngoài có thực sự hiệu quả bền vững hay không.
Đừng bao giờ để có sự cố xảy ra rồi chúng ta mới kêu gọi, tìm cách khắc phục. Đây là trách nhiệm của các nhà quản lý, của Chính phủ, của các bộ ngành. Vì người dân không thể chịu trách nhiệm về việc này.
Do đó, tôi muốn nhấn mạnh chúng ta phải bình tĩnh xem lại đầu tư dài hạn để phát triển bền vững. Nếu chúng ta cứ rộng cửa đón đầu tư nước ngoài, không tính kỹ bài toán thì sau này, người thiệt hại sẽ là người dân, bao giờ cũng như vậy”, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo đưa quan điểm.
Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Qua những vụ việc như thế này, tôi thấy Chính phủ phải cân nhắc rất kỹ khi quyết định cho đầu tư, nhất là các nhà máy có khả năng gây ô nhiễm. Vẫn biết chúng ta đang hội nhập, cần rộng cửa để đón các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chuyện lần này là một bài học cảnh tỉnh mà chúng ta bắt buộc phải cân nhắc.
Đương nhiên, những nhà đầu tư có chuyên môn, có sự bài bản, hướng tới kinh tế xanh sẽ không bao giờ để xảy ra những chuyện lùm xùm như vậy”.
Liên quan đến lời xin lỗi của Phó phòng đối ngoại Formosa vẫn đang khiến dư luận ồn ào, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo đưa quan điểm: “Cách xử lý của phía Formosa với nhân viên của mình như thế nào, tôi không bình luận. Điều mà tôi quan tâm là thái độ cầu thị sau này trên thực tế. Đó mới là lời xin lỗi thiết thực nhất. Còn nếu như xử lý kỷ luật, thậm chí là đuổi việc nhưng vẫn âm thầm xả thải theo kiểu “chọn tôm cá hay là nhà máy thép” thì sẽ nguy hại hơn rất nhiều”.
“Tôi rất đáng ngại khi chúng ta không kiểm soát được quy trình xả thải của phía Formosa. Chỉ đến khi thấy những hiện tượng ô nhiễm, nghi nước có độc tố rồi mới lấy mẫu nước đi xét nghiệm là hoàn toàn bị động. Như thế là chúng ta bị đưa vào tình huống “sự đã rồi”, “được vạ thì má đã sưng”.
Mỗi một quá trình đi xét nghiệm, kiểm tra, phân tích đánh giá như thế thì người dân cũng đã “lãnh đủ” rồi.
Do đó, về cơ bản chúng ta cần phải hướng đến việc kiểm soát ngay từ phần gốc, giám sát chặt chẽ từ công nghệ xả thải cho đến quá trình xả thải ra môi trường để không bị động.
Chúng ta là chủ nhà, chủ nhà mà không kiểm soát được, lại chạy theo thì không được.
Cần phải cương quyết trong xử lý những sự việc như thế này. Ngay cả người dân cũng phải được vào cuộc giám sát và cương quyết không đồng tình”, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo nói.
“Cá chết ở bao nhiêu tỉnh, người dân thì thất nghiệp, chợ thì vắng tanh, đến cả Hà Nội cũng không dám ăn cá, bao nhiêu khu du lịch ở miền Trung bây giờ đóng cửa. Như thế là thiệt hại quá lớn về nền kinh tế. Làm gì có chuyện như thế, xong rồi chỉ một câu xin lỗi, không có cái việc đấy đâu”, vị ĐBQH đoàn Vĩnh Phúc gay gắt nhấn mạnh”.