Cố nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, so với bản “Xẩm đỏ” năm 2012, tác phẩm mới hoàn thiện này có 35 phút là phim “Xẩm đỏ” và 68 phút vừa là phim vừa là tư liệu về những bài hát của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. “Xẩm đỏ” là một bộ phim không lời bình, giống như một sự độc diễn của nhân vật. Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, anh không muốn đem lời bình vào phim mà muốn để dành phần đó cho khán giả. Theo anh, mỗi phim có một tính chất khác nhau. Nếu anh đưa lời bình vào phim này và dùng lời bình dẫn dắt câu chuyện theo ý đồ của mình thì phim có thể dễ xem hơn, nhưng nó sẽ trở nên khiên cưỡng và thiếu đi tính tự nhiên. Kết thúc phim, vẫn là giọng hát ai oán, réo rắt như chính cuộc đời cụ: Dạt nước cánh bèo, bấy lâu nay dạt nước cánh bèo. Đã từng lưu lạc, đã từng lưu lạc để nhiều điều vất vả gian truân. Ông trời cao có thấu tình chăng. Đời người mấy lúc, gian truân mà già... “Tôi muốn khán giả tự cảm nhận và như đang được xem, được nghe, được đối thoại với chính nhân vật” - Đạo diễn Lương Đình Dũng lý giải.
Dành nhiều tâm huyết cho bộ phim, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, để có được 35 phút quý giá trong “Xẩm đỏ”, anh đã mất nhiều năm trời, ăn cùng cụ từng bữa cơm, chia sẻ từng câu chuyện. Có hôm kết thúc cảnh quay ở nhà cụ vào 2 giờ đêm, rồi lại phi xe thẳng lên Yên Bái để quay một cảnh khác, rồi lại ngược về để tiếp tục quay cụ. Những ngày đó nghệ nhân đã hơn 90 tuổi, lúc hợp tác, lúc từ chối, lúc khóc, lúc cười, nhớ nhớ, quên quên theo căn bệnh tuổi già. Hơn 1 năm trước khi anh làm phim cụ còn khoẻ lắm, giọng hát trong trẻo và cao vút... Vậy mà thoáng cái đã về già. Tuy vậy, Lương Đình Dũng vẫn kiên quyết theo đuổi bởi lòng đam mê xẩm và quá “say” tiếng hát của cụ Hà Thị Cầu. Anh bảo mình được nhiều hơn mất. Khi cảnh quay cuối cùng kết thúc, anh kể cụ Hà Thị Cầu đã nắm tay anh và bảo: “May mà con làm sớm chứ bây giờ bà sắp không hát được nữa rồi con ạ”. Từ hơn 1200 phút quay, chắt đọng lại chỉ còn 35 phút, Lương Đình Dũng và cả êkíp đã phải đau đầu cân nhắc. Đây là một trong số ít sản phẩm mà anh thực sự hài lòng. Giải thích về tên bộ phim, Lương Đình Dũng cho biết, anh gọi tên là “Xẩm đỏ” vì trong cảm nhận của anh xẩm là một loại hình nghệ thuật có gam màu nóng. Ngoài ra, anh muốn gọi Xẩm đỏ để thể hiện sự báo động cho một loại hình nghệ thuật có thể bị thất truyền.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, anh quyết định phát hành đĩa để “Xẩm đỏ” góp phần giúp khán giả yêu xẩm hơn và trân trọng nhân cách đáng quý của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Anh dự định sẽ trích 50% số tiền đó để gửi tặng con cháu của nghệ nhân Hà Thị Cầu, 50% còn lại dành tặng những bạn trẻ có cuộc sống khó khăn nhưng vẫn say mê xẩm, để mọi người có thêm động lực cùng gìn giữ nghệ thuật truyền thống, tôn vinh và ca ngợi những đóng góp của người nghệ nhân trong việc phát triển và gìn giữ kho báu của nghệ thuật dân tộc.
Cố nghệ nhân Hà Thị Cầu được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian, Nghệ sĩ Ưu tú và giải thưởng Đào Tấn cho những đóng góp trong việc gìn giữ nghệ thuật dân tộc. Tuy nhiên, cụ có hoàn cảnh sống rất khó khăn. Gia đình cụ là một trong những hộ nghèo nhất xã. Cụ đã qua đời tháng 3/2013.